Một lớp học trực tuyến tại Việt Nam |
Xã hội hóa giáo dục là yêu cầu thực tiễn khi nước ta gia nhập vào WTO. Chính vì vậy, song song với mô hình đào tạo tập trung thì mô hình đào tạo trực tuyến (ĐTTT) cũng đã xuất hiện. Hiện nay, chương trình ĐTTT gồm 3 kênh chính, đó là của các trường đại học trong nước, của nước ngoài đưa vào Việt Nam và của các công ty lập ra.
Ở đâu cũng có thể học được
ĐTTT không còn xa lạ đối với các nước có môi trường giáo dục tiên tiến. Nó đang dần dần tiến vào hệ thống giáo dục quốc dân với nhiều ưu điểm, tiện ích.
Khi tham gia vào lớp học trực tuyến, người học được chủ động sắp xếp thời gian học tập. Đồng thời, nếu học viên vượt qua các bài kiểm tra và hoàn thành các bài luận mà giáo viên quy định thì có thể rút ngắn thời gian học tối đa. Không mất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc đi lại, học viên tham gia các lớp học trực tuyến sẽ tiết kiệm được sức mình và sẽ chủ động truy cập, tiếp thu bài giảng khi đã chuẩn bị sẵn sàng.
Nếu học ở trường học bình thường, người học phải tốn thời gian đến lớp. Đặc biệt là đối với sinh viên ở những vùng miền khác nhau, họ sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí cho việc đi học. Tuy nhiên, ĐTTT sẽ giúp người học giảm bớt những trở ngại này. Với chiếc máy tính nối mạng, người học có thể học ở mọi lúc (bất cứ thời gian rảnh nào cũng có thể ngồi vào bàn học), mọi nơi (vùng sâu, vùng xa, vùng núi hay hải đảo), học viên không mất thời gian đến lớp mà vẫn tiếp nhận được tri thức.
ĐTTT tiết kiệm được chi phí việc đào tạo. Để đào tạo một lớp học trực tuyến, không cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng như các lớp học bình thường khác. Việc học trực tuyến sẽ diễn ra nhanh khi người học tạo lập được tài khoản trên internet. Kinh phí cho một chứng chỉ hoặc một bài giảng lại rất rẻ, có khi tiết kiệm được nửa kinh phí so với các lớp học bình thường khác. Thậm chí có nhiều trang web còn dạy miễn phí cho người học. Những học viên muốn có chứng chỉ hay bằng cấp có thể đăng ký tại khóa học mình cần, có thể truy cập toàn bộ khóa học. Người học được cấp một tài khoản và mật mã, sau đó chỉ cần nhập tên đăng nhập và mật khẩu của mình là có thể truy cập và tìm kiếm tài liệu.
Hiệu quả của ĐTTT không chỉ dừng lại những kiến thức khoa học mà học viên tiếp nhận được mà còn là tính tích cực, chủ động, độc lập của người học. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, học trực tuyến đòi hỏi ở học viên phải có động cơ học tập đúng đắn và có nhu cầu mở rộng kiến thức, tự định hướng học tập cho mình. Ngoài ra, học tập qua hệ thống internet sẽ giúp người học nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin như xử lý thông tin trên mạng và khả năng giải quyết vấn đề.
Ngày nay, nhu cầu học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng để phục vụ tốt hơn cho công việc, nhiều cán bộ công nhân viên mong muốn trang bị thêm kiến thức ngày càng nhiều. Sự lựa chọn đầu tiên của các công ty là các phần mềm ĐTTT, họ cho các nhân viên của mình trực tiếp học tập qua online mà vẫn kiểm soát và đảm bảo được số lượng công việc của nhân viên.
Ngành GD-ĐT Việt Nam đang hội nhập với giáo dục tiên tiến của thế giới. Hình thức ĐTTT đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội, đặc biệt là các đối tượng vừa học vừa làm, giúp học viên tiếp cận với tri thức và những kỹ năng cần thiết một cách chủ động, nhanh chóng và tiết kiệm.
ĐTTT cần nhân rộng hơn
Năm học 2008-2009 có tên là “Năm học ứng dụng công nghệ thông tin” góp phần thực hiện, nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Trong chương trình công nghệ giáo dục Việt Nam có đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó một giải pháp rất hiệu quả là: Triển khai mạnh mẽ công nghệ E – Learning.
E – Learning là phương pháp học được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin và truyền thông. Một trong những hình thức đào tạo E – Learning là hình thức ĐTTT (online learning/ training). Đây là hình thức đào tạo có sử dụng kết nối mạng, học viên học trực tuyến qua internet.
Ở Việt Nam, tháng 11-2004, ngành giáo dục đào tạo đã xây dựng một cổng E – Learning chính thức tại địa chỉ http://el.edu.net.vn. Đến nay đã có khoảng 70 trường đại học và cao đẳng sử dụng cổng thông tin này.
Với sự giúp đỡ của cộng đồng Moodle Việt Nam trong vấn đề Việt hóa và phát triển Moodle cho hệ thống E – Learning, trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế và sử dụng các bài giảng E – Learning.
Hiện nay, số lượng người truy cập các trang web ĐTTT tăng vọt theo cấp số nhân. Đồng thời xuất hiện nhiều trường đại học đi đầu trong việc áp dụng hình thức ĐTTT như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội…
Mặc dù hình thức ĐTTT đã manh nha ở Việt Nam từ những năm 1990 với nhiều phần mềm hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, ĐTTT ở nước ta chưa thể thay thế phương thức đào tạo truyền thống. Nó còn ở mức sơ khai, số lượng và chất lượng chưa cao, phạm vi và đối tượng tham gia còn hạn chế, thiếu các cơ sở vật chất cần thiết… ĐTTT ở nước ta chỉ mới ở bước đầu, chưa có những quy chuẩn, quy định cụ thể. Vì vậy, ĐTTT cần được nâng cao nhiều hơn nữa mới trở thành hướng đi chung cho xã hội.
DƯƠNG MỸ
Bình luận (0)