Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo và sử dụng nhân lực ngành y: Bài 1: Thiếu ảo?

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Khoa Dược, Trường ĐH Y dược Cần Thơ trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đ.Phượng

Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012, điểm chuẩn của Trường ĐH Y dược TP.HCM rất cao, có những thí sinh đạt tổng điểm hơn 25 nhưng vẫn không trúng tuyển, trong khi với mức điểm trên thí sinh có thể đạt thủ khoa ở một số trường ĐH khác.
Theo lý giải của Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, điểm trúng tuyển cao bởi trường phải dành hàng trăm chỉ tiêu để đào tạo theo địa chỉ cho thí sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mà đối với diện đào tạo này, chỉ cần tổng điểm thi đạt 18-19 là được học.
Chê bệnh viện công
Theo quyết định số 153/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đến năm 2010, Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/ 10.000 dân. Hiện nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 5,27 bác sĩ/10.000 dân, đáp ứng 75,3% nhu cầu. Trong đó có những nơi như tỉnh Sóc Trăng mới đạt 3,78 bác sĩ/10.000 dân, tỉnh Hậu Giang đạt 4,05 bác sĩ/10.000 dân.
Một vấn đề đặt ra là tại sao hàng năm, đặc biệt từ khi thành lập Trường ĐH Y dược Cần Thơ, số cán bộ y tế có trình độ ĐH đào tạo từ các nguồn không ít, nhất là nguồn đào tạo ngoài ngân sách (đào tạo theo địa chỉ, chuyên tu, liên thông và cử tuyển) nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ ở khu vực nông thôn, ngoại thành và tuyến y tế cơ sở. Trong khi đó ở các thành phố lớn lại thừa bác sĩ, dược sĩ. Theo thống kê, rất nhiều bác sĩ, dược sĩ trẻ chấp nhận ở lại thành phố làm trình dược viên hoặc các công việc khác mà không chịu về tuyến cơ sở. Mới đây, Trường ĐH Y dược Cần Thơ thực hiện cuộc khảo sát trên 434 sinh viên hệ chính quy ra trường năm 2011, chỉ có khoảng 33,4% về địa phương công tác. Cũng qua cuộc khảo sát này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 1.400 dược sĩ ĐH nhưng có 700 người làm việc ở các cơ sở tư nhân; trong đó tỉnh Đồng Tháp có số dược sĩ làm việc ngoài hệ thống y tế công lập cao nhất: 235 người.
GS.TS Nguyễn Tiến Bình – Giám đốc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) – thẳng thắn đặt vấn đề: “Tôi cho rằng, tình trạng thiếu bác sĩ/10.000 dân tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và những vùng khó khăn khác trên cả nước nói chung là thiếu ảo. Chúng ta cần làm một cuộc tổng điều tra về công việc đang làm của các bác sĩ tại Việt Nam. Tôi biết hiện có rất nhiều bác sĩ đang làm marketing. Không nói đến hệ chính quy, chỉ riêng hệ chuyên tu, bình quân chỉ tiêu mỗi năm là 120 người. Như vậy trong 12 năm trở lại đây, cả nước đã đào tạo gần 1.500 bác sĩ. Nếu quản lý được thì số chuyên tu này đủ để 100% trạm y tế phường, xã của Việt Nam có bác sĩ. Cho nên, theo tôi, nói nước ta thiếu bác sĩ/10.000 dân là không chính xác”.
Bất cập giữa đào tạo và sử dụng
Những con số trên cho thấy đang có bất cập giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ngành y. Nhưng tại sao các bác sĩ không chấp nhận về tuyến cơ sở? Kể cả những người được đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ?… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nổi bật là: Về cơ sở, các bác sĩ không thể sống nổi với mức lương khởi điểm 2,2 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, bác sĩ không có điều kiện nâng cao tay nghề vì làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị, ít bệnh nhân. Bên cạnh đó nhiều trạm y tế không có các phương tiện cận lâm sàng góp phần giúp nâng cao hiệu quả của việc khám và điều trị. Do vậy bệnh nhân tìm đến các bệnh viện lớn ngày càng nhiều, tạo ra tình trạng quá tải, trong khi nhiều trạm y tế và không ít bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ rảnh rỗi… đọc báo.
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiêm  Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nêu thực trạng: “Chúng tôi đã khảo sát một số bệnh viện huyện thuộc khu vực Nam bộ, đáng buồn là nhiều bác sĩ trẻ công tác 4-5 năm nhưng vẫn chưa thành thạo quy trình cấp cứu, trong khi nếu làm việc ở bệnh viện lớn, chỉ vài năm là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, thậm chí có thể dạy chuyên khoa I. Hiện nay, sau 6 năm học ra trường, rất nhiều bác sĩ chưa cho được toa thuốc, do vậy nếu về tuyến cơ sở không được ai hướng dẫn, tay nghề giảm sút là điều không tránh khỏi”. Nguyên nhân này khiến một số địa phương dù ban hành cơ chế ưu đãi như cấp đất làm nhà, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng khi ký hợp đồng làm việc, nhưng vẫn không thu hút được bác sĩ. Đến nay TP.Cần Thơ đạt 6,84 bác sĩ/10.000 dân. Nếu kể cả Trường ĐH Y dược Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thì tỷ lệ này hơn 10%. Nghĩa là vượt yêu cầu theo quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng các khu vực ngoại thành vẫn thiếu bác sĩ trầm trọng, còn tuyến thành phố thì thiếu bác sĩ cho các chuyên ngành: Lao, tâm thần, y tế dự phòng, kỹ thuật viên xét nghiệm… Nhiều năm nay Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai chỉ có 15 bác sĩ. Từ năm 2009 đến nay, năm nào bệnh viện cũng tuyển công chức và chỉ có một bác sĩ về, nhưng buồn thay, người chịu đầu quân này năng lực kém đến nỗi bị kỷ luật trong chuyên môn, phải chuyển sang làm hành chính. Để giúp bệnh viện, Sở Y tế Cần Thơ phải điều 3 bác sĩ từ các trạm y tế xã lên tiếp viện. Phòng khám của bệnh viện có 3 bác sĩ, bình quân mỗi ngày một bác sĩ khám từ 150 đến hơn 200 bệnh nhân. Những khi có chuyện đột xuất, bác sĩ trực nội trú không được ra trực. Bác sĩ CK.II Nguyễn Hiếu Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thới Lai – bức xúc: “Bệnh viện chúng tôi chỉ triển khai vài chuyên khoa bởi không có người đưa đi đào tạo các chuyên khoa còn lại. Thới Lai xa lại hẻo lánh, không ai muốn về. Rất mong Bộ Y tế có quy định để bác sĩ ra trường phải về công tác một thời gian nhất định ở tuyến cơ sở, sau đó ưu tiên cho học chuyên khoa thì may ra mới có người về, chớ chế độ ưu đãi về tiền bạc không hiệu quả. Bác sĩ làm việc ở thành phố lớn thì được nâng cao tay nghề, kiếm nhiều tiền. Về nông thôn, thời gian đầu không được khám ngoài giờ, lương không đủ sống, hỏi ai chịu về?”. Huyện Phong Điền chỉ cách trung tâm TP.Cần Thơ hơn 30km, giao thông thuận lợi, nhưng Bệnh viện Đa khoa huyện cũng chỉ có 13 bác sĩ…
Đan Phượng
“Tỉnh đã xây dựng đề án thu hút nguồn nhân lực y tế nhưng phê duyệt hơn một năm mà chỉ thu hút được một bác sĩ chuyên khoa I. Thật khó cho tỉnh trong thu hút nhân lực ngành y”, ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, băn khoăn.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)