Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo và sử dụng nhân lực ngành y: Bài cuối: Cần có chính sách, cơ chế phù hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Khoa Răng – Hàm – Mặt, Trường ĐH Y dược Cần Thơ đang thực hành. Ảnh: Đ.P

Để giải bài toán thiếu ảo bác sĩ, dược sĩ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước, thời gian qua, được sự cho phép của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, nhiều trường ĐH y dược liên tục tăng chỉ tiêu, đặc biệt là tăng hệ đào tạo ngoài ngân sách và không chính quy.
Chỉ tính riêng số cán bộ y tế trình độ ĐH được đào tạo theo địa chỉ tăng liên tục: Năm 2008 có 1.775 người; năm 2009 là 2.305 người; năm 2010 là 3.617 người và năm 2012 là 3.642 người.
Tăng quy mô nhưng thiếu đầu tư
Hiện nay số lượng bác sĩ, dược sĩ ở Việt Nam rất nhiều nhưng bài toán nhân lực ngành y cho tuyến tỉnh và tuyến cơ sở vẫn chưa tìm ra đáp số. Trong khi đó do tăng quy mô đào tạo nhưng cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên chưa tương xứng, đặc biệt là thiếu các phương tiện thực tập tiền lâm sàng và bệnh viện thực hành đã dẫn đến hậu quả chất lượng đào tạo của ngành y ngày càng đi xuống. Qua khảo sát hiệu quả đào tạo tại các trường ĐH y dược nhằm xây dựng dự án đổi mới đào tạo nhân lực y tế – thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực y tế Việt Nam giai đoạn 2012-2020 – GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế), cảnh báo: “Các thí sinh được tuyển vào học chương trình y khoa chính quy được đánh giá là những học sinh giỏi và xuất sắc, vì điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào luôn ở mức cao so với các ngành học khác. Tuy nhiên hiện nay, sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Như vậy có thể thấy chất lượng đào tạo y khoa ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần được quan tâm”.
TS. Khẩn nhấn mạnh: Đối với đào tạo liên thông, chất lượng đào tạo thường được coi là thấp hơn đào tạo chính quy, một mặt do đầu vào thấp hơn; mặt khác quá trình đào tạo và đảm bảo chất lượng không được quan tâm đúng mức. Còn với đào tạo cử tuyển thì các bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp hệ này khó đạt chuẩn tối thiểu đối với chuyên môn, và càng kém xa đối với bác sĩ, dược sĩ được lựa chọn qua thi tuyển… Và hệ quả là đã xuất hiện những “đao phủ” mặc áo blouse trắng trong hệ thống y tế Việt Nam. Đặc biệt gần đây, dư luận đã đặt vấn đề về năng lực một bộ phận cán bộ y tế khi xảy ra hàng loạt ca tử vong – có tính chất bất thường của các sản phụ; hoặc một số trường hợp bệnh nhân tử vong tại bệnh viện do yếu kém năng lực và thái độ tắc trách của y bác sĩ.
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nêu thực trạng: “Các trường liên tục xin tăng chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước, trong khi cơ sở vật chất ọp ẹp, thiếu phòng học…”.
Từ thực trạng trên có thể thấy, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khó khăn khác trong cả nước sẽ không thể đạt chỉ tiêu 7 bác sĩ/10.000 dân, nếu chỉ giải quyết vấn đề bằng cách tăng ào ạt quy mô đào tạo bác sĩ, dược sĩ, thậm chí không coi trọng chất lượng đào tạo.
Tạo môi trường làm việc tốt
Một bất cập nữa nằm ở diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng, mục đích là cung ứng nguồn nhân lực cho các địa phương nhưng thực tế thời gian qua cho thấy mục tiêu tốt đẹp trên đã bị xóa sổ, nghĩa là khi ra trường, hầu hết số đào tạo theo diện này đã tìm đến các thành phố, các bệnh viện lớn để “dung thân”, thay vì ở lại địa phương làm việc như hợp đồng cam kết khi họ được địa phương cho đi học. Về vấn nạn này, nhiều tỉnh/ thành hiện đang loay hoay, chưa tìm ra biện pháp khắc phục.
Thiết nghĩ, ẩn số của phương trình nguồn nhân lực y tế cho vùng khó khăn chỉ có thể tìm ra khi Nhà nước có chính sách, cơ chế phù hợp, nghĩa là bác sĩ, dược sĩ phải có thu nhập đủ sống tại đơn vị công tác. Bởi rất bất hợp lý khi một sinh viên đầu tư công sức, tiền của học tập trong 6 năm khi ra trường đến làm việc tại một nơi xa xôi với mức lương khởi điểm của một cử nhân! Bên cạnh đó còn cần một môi trường làm việc tốt, có điều kiện nâng cao chuyên môn. Đây cũng là suy nghĩ chung của tất cả đại biểu dự Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược lần X vừa được tổ chức tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Các đại biểu đều cho rằng: Nếu không đáp ứng những tiêu chí trên, dù có đào tạo cán bộ y tế trình độ ĐH nhiều đến đâu thì nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, làm bài toán: “Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân. Thực hiện quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm trường tăng từ 700 đến 800 quy mô đào tạo theo địa chỉ. Đối với chính quy, mỗi năm đào tạo 500 em. Nếu các tỉnh thu hút được thì nguồn bác sĩ, dược sĩ này đã vượt xa yêu cầu của quyết định 153… Mặt khác, hiện nay trên thế giới, tình trạng thiếu bác sĩ nước nào cũng có, kể cả những nước có nền công nghiệp hiện đại như Mỹ, Pháp, Ý, Anh… Nhưng không có quốc gia nào trên thế giới chạy theo số lượng – tăng ồ ạt quy mô đào tạo, thậm chí bỏ qua vấn đề chất lượng đào tạo, để giải quyết vấn đề như ở Việt Nam!”.
Đan Phượng
Box: “Nếu cứ lấy lý do thiếu bác sĩ để tiếp tục tình trạng đào tạo cán bộ y tế theo kiểu “trăm hoa đua nở” thì 10 năm nữa sẽ để lại hậu quả lớn cho đất nước, không chỉ đơn thuần trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân”, PGS.TS Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ưu tư.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)