Y tế - Văn hóaThư giãn

Đạo từ điển và lỗ hổng xuất bản

Tạp Chí Giáo Dục

Từ điển vốn là một thứ 'khuôn vàng thước ngọc', nhưng cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia lại không có được chuẩn mực ấy và cho thấy lỗ hổng xuất bản.

Trang Tài liệu tham khảo sơ sài của cuốn sách. Ảnh: Hoàng Tuấn Công

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công không khó khăn để liệt kê những mục từ của mình đã bị nhóm làm sách Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam “thuổng”. Tuy nhiên, ông còn chỉ ra những chỗ chép khác của cuốn sách này. Chẳng hạn, họ đã chép luôn cả đoạn sai trong cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân. “Đó là những đoạn giải thích sai mà tôi đã chỉ ra trong cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, ông Hoàng Tuấn Công cho biết.
Cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam này còn có một cái sai “kinh hoàng” hơn. Đó là đã thu thập và giải thích cả những đơn vị hoàn toàn không phải là thành ngữ, tục ngữ. Chẳng hạn, đó là các cụm từ như: “Cảu nhảu càu nhàu”, “Cạnh tranh sinh tồn”, “Cai đầu dài”, “Cưới chạy tang”, “Của đáng tội”, “Còn mồ ma”, “Còn mặt mũi nào”, “Chê ỏng chê eo”… “Điều này cho thấy nhóm biên soạn thiếu kiến thức về ngôn ngữ học nói chung, và thành ngữ tục ngữ nói riêng”, ông Công đánh giá.
Theo ông Công, một lỗi khác cũng rất nghiêm trọng của Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam  là tùy tiện, bạ đâu chép đấy. Chẳng hạn, mục từ “Mồ cha không khóc, khóc đống mối, mồ mẹ không khóc, khóc bối bòng bong” đã được ghép từ nhiều đoạn giải thích của ông Công. Mục từ này dài 1 trang. Nếu như bài viết của ông Công là khảo cứu có thể dài, thì từ điển lại cần sự ngắn gọn súc tích. “Nghĩa là họ còn nhầm lẫn thể loại giữa phê bình khảo cứu và biên soạn từ điển”, ông Công đánh giá.
Mục tài liệu tham khảo của cuốn sách cũng rất tệ hại với liệt kê 5 đầu sách. Cũng không có bất cứ thông tin nào về nhóm tác giả. Sách cũng không có lời nói đầu. Trong các mục từ cũng không nhất quán, có mục có nghĩa đen, có mục không. Sách có tên là Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng thành ngữ tục ngữ của các dân tộc tiêu biểu như Mường, Thái, Tày, Mông, Dao…
Chất lượng khoa học của cuốn sách cho thấy lỗ hổng của ngành xuất bản. Có thể thấy, việc rà soát chất lượng khoa học của một cuốn sách khảo cứu đang có vấn đề. Tại sao một cuốn sách, về mặt hình thức lại có thể có thông tin tác giả, không có thông tin kèm theo về nguyên tắc tuyển chọn. Cũng phải nói thêm, hiện tại đơn vị liên kết xuất bản là Công ty Văn hóa Minh Long vẫn chưa công bố danh tính thật của nhóm tác giả. Chưa kể, là đơn vị chính chịu trách nhiệm, NXB Đại học Quốc gia cũng đã để “sổng” một tác phẩm bất ổn về khoa học như thế.
Cuốn sách cũng cho thấy cần nghiêm khắc hơn với việc thẩm định và cho xuất bản từ điển. Theo ông Công, để chống tình trạng bát nháo từ điển, cơ quan quản lý đã có quy định phải có thẩm định của cơ quan chuyên môn như Viện Ngôn ngữ. Vì vậy, ở đây cần rà soát trách nhiệm kỹ hơn với những đơn vị, cá nhân tham gia thẩm định và cho xuất bản cuốn sách này. Bản thân NXB cũng cần có cách thức thẩm định chặt chẽ hơn chứ không thể chỉ trông vào “lời cam kết” trong hợp đồng xuất bản của công ty liên kết.
Về số phận cuốn sách, bà Phạm Thị Trâm, Giám đốc NXB Đại học Quốc gia, cho biết đã dừng phát hành cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, đến chiều qua 21.2, cuốn sách này vẫn được bán trên trang Tiki.vn. Về điều này, bà Trâm cho biết sẽ yêu cầu Tiki dừng bán ngay.

Theo Trinh Nguyễn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)