Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Đạo, xào” – thực trạng còn bỏ ngỏ?

Tạp Chí Giáo Dục

Cuốn sách Có một Đà Lạt ở Việt Nam đang bị thu hồi và tiêu hủy

1. Một cuốn sách được xem là kỷ yếu về Đà Lạt, bao quát từ văn hóa phong tục đến quá trình hình thành và phát triển của một thành phố trên cao nguyên, đến nay vẫn còn gây “sốc” trong dư luận – cuốn Có một Đà Lạt ở Việt Nam. Đọc ấn phẩm này, không khỏi ngỡ ngàng khi có quá nhiều “hạt sạn”. Nhất là cuốn sách mang một sứ mệnh – được chọn để tặng cho các đại biểu, khách mời tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.Đà Lạt vừa qua. Chẳng những quyển sách sai sót nghiêm trọng về các địa danh ở Đà Lạt, như hồ Xuân Hương chảy qua công viên… Lê Nin mà nhiều bài viết – vốn của những nhà báo tại Lâm Đồng cũng “vinh dự” được góp mặt trong cuốn sách, nhưng tác giả lại là… người xa lạ! Được biết, chủ nhân ấn phẩm này là một nhóm… sinh viên mới ra trường. Nhóm này khẳng định bản quyền là của họ, do họ viết.
Điều quan trọng là Có một Đà Lạt ở Việt Nam do Nhà Xuất bản Thông tấn xã Việt Nam phối hợp cùng Công ty Văn hóa Trí Tuệ Việt ấn hành. Người ta tự hỏi hai “tên tuổi” này sao có thể quá dễ dàng với một nhóm sinh viên nào đó vô danh, bỏ qua khâu “kiểm duyệt”. Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Đình Chấn – Giám đốc Công ty Trí Tuệ Việt cho rằng, nhận thấy bản thảo của họ phản ánh được những tiềm năng cơ bản của Đà Lạt nên chấp thuận mua và tiến hành biên tập?!?
2. Làng văn nghệ những ngày này xôn xao “nghi án xào thơ” bởi khó mà có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến vậy!
Trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số tháng 7 vừa rồi có đăng một bài thơ của tác giả Quỳnh Dao (TP.HCM) mang tên Nỗi buồn đập cánh. Ngay sau đó, ông Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) phát hiện bài thơ này không chỉ có tựa đề trùng lắp mà nhiều câu từ, ý tứ cũng giống với tác phẩm của mình đã đăng trên Báo Văn Nghệ TP.HCM trước đó. Liệu câu thơ “Những mắt gió vỡ trên mái nhà/ Sự ướt ẩm của đêm qua/ Trở về trong góc phòng im lặng/ Nơi gương mặt thời gian khắc rõ những vết chì” của tác giả Phú Thọ và “Mắt gió vỡ trên mái nhà, đêm qua ẩm/ Góc phòng im nỗi buồn đập cánh/ Thời gian chạm những vệt chì” của Quỳnh Dao có điều gì khuất tất!
Độc giả đọc hai bài thơ, không ai phủ nhận đó là những câu thơ hay. Nhưng điều này đã không còn quan trọng! Nhắc đến Nỗi buồn đập cánh người ta chỉ biết thở dài nghĩ đến “nỗi buồn đạo – xào” hơn là nhớ đến những tứ thơ buồn của tác giả trong một đêm cô độc!
Nghi án này đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi. Trong khi “fan” của hai bên đang chờ đợi một lời giải đáp trắng – đen, rõ ràng thì người trong cuộc phản ứng bằng cách… im lặng. Với nhiều bạn đọc, không nhất thiết phải tìm ra ai là người thắng thua trong cuộc chiến đạo – xào này. Họ chỉ thấy thất vọng và ngán ngẩm. Cảm giác hụt hẫng, hổ thẹn là điều không tránh khỏi cho một xu hướng khá phổ biến trong một bộ phận giới văn chương!
3. Nghi án “đạo – xào” tác phẩm của nhau xưa nay nghe nói đã nhiều. Thế nhưng, tất cả hầu như chỉ dừng lại ở diễn đàn, tranh luận hay chỉ trích chứ không mấy ai khiếu kiện bao giờ. Nguyên nhân là vì người bị đạo – xào thường chỉ “ngỡ ngàng quá kêu lên một tiếng” chứ ít ai muốn đưa vụ việc ra ánh sáng, chấp nhận đi đến cùng sự thật… Bởi đó là một việc làm có lẽ vừa mất thời gian, vừa tốn công sức mà kết quả lại thu về chẳng được bao nhiêu. Như Có một Đà Lạt ở Việt Nam, khâu xử lý cuối cùng vẫn chỉ dừng lại ở quyết định tiêu hủy số ấn phẩm đã in, cả những quyển từng phát cho đại biểu cũng… xin liên hệ để thu hồi!
Thực trạng đạo – xào tác phẩm của người khác đang là một vấn nạn của xã hội, đặc biệt đây được xem là “bệnh” của ít nhiều “trí thức” khi mà có cả những người có học hàm học vị, giảng viên… vẫn vô tư xào nấu tài liệu của người khác. Nói đến “bệnh” này, GS-TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước nhận xét: Đạo – xào chỉ là cách nói, còn thực ra đó chính là một hành động ăn cắp!
Ngân Du

Nhà báo Lâm Viên – Báo Thanh Niên chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt nên khi cầm quyển Có một Đà Lạt ở Việt Nam tôi rất quý, rất trân trọng, nhưng khi lật các trang nội dung tôi hết sức ngỡ ngàng bởi hầu hết các bài viết đều là của anh chị em nhà báo, nghệ sĩ Đà Lạt. Bản thân tôi cũng có đến bốn bài bị “xào” hoặc “đạo” nguyên xi nên khi đọc ấn phẩm cảm giác đầu tiên là “ăn cơm nguội do chính tay mình nấu”’…

 

Bình luận (0)