Bộ GD&ĐT sẽ cho ý kiến chính thức sau khi phân tích lại đáp án liên kết của ĐBSCL.
Vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011, Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án hướng dẫn chấm thi (chiều tối 4-6). ở môn văn, nhiều giáo viên cho rằng đây là đáp án “đóng” trong khi đề thi thì “mở”. Sau đó, báo chí cũng đã phản ánh và Bộ có động thái điều chỉnh đáp án bổ sung (ý thứ hai, câu 1) vào chiều ngày 9-6. Tuy nhiên, trước khi có sự điều chỉnh từ Bộ, các tỉnh ĐBSCL đã có buổi họp và sinh hoạt thống nhất đáp án liên kết chấm bài thi môn văn theo hướng mở. (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên số báo ngày 11-6).
Nêu sự kiện này trên một tờ báo, cô Đỗ Thị Lệ, giáo viên Trường THPT chuyên Tiền Giang, cho rằng biên bản thống nhất đã “xé rào”, vượt mặt Bộ GD&ĐT. Và cô đã chỉ ra những hệ lụy từ việc làm này nhằm mục đích “nâng chất lượng” bằng cách “vô tư cho điểm”. Thực, hư thế nào?…
Giám khảo TP.HCM chấm bài thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NH |
Tránh chấm lỏng, chấm chặt
Ngày 18-6, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Trưởng thi đua vùng VI khu vực ĐBSCL. Ông Nhi cho biết: “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn văn đã được các Sở thống nhất, trừ Tiền Giang và Bến Tre. Vì bài thi của thí sinh Tiền Giang và Bến Tre do TP.HCM chấm và Tiền Giang và Bến Tre chấm thi cho Đồng Nai và Bình Dương. Tại buổi họp, mỗi Sở có hai giáo viên uy tín của bộ môn bày tỏ quan điểm đáp án của Bộ và góp ý”. Cũng theo ông Nhi, trước khi có cuộc họp này, khu vực ĐBSCL đã có công văn xin ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và được sự đồng ý của Thứ trưởng, trên tinh thần bám sát đáp án của Bộ. “Sau khi có đáp án bổ sung của Bộ, đối chiếu với đáp án liên kết, thấy có sự tương đồng, chúng tôi đã thống nhất chấm theo đáp án bổ sung” – ông Nhi cho hay.
Cô Bùi Thị Kim Duyên, cán bộ chấm thanh tra môn văn tại tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Thật ra biên bản thống nhất chấm của ĐBSCL không như phân tích của cô Đỗ Thị Lệ. Sở dĩ các tỉnh đến để họp và sinh hoạt đáp án thống nhất nhằm tránh tình trạng giám khảo chấm lỏng, chấm chặt như những năm trước”. Theo cô Duyên, sự thống nhất này để các chuyên viên môn văn về sinh hoạt lại với giám khảo để không chấm lệch. Và sự liên kết thống nhất này theo tinh thần của Bộ. Đáp án môn văn Bộ công bố lần đầu tiên đã tạo sự cứng nhắc, giám khảo chấm cũng đã có ý kiến nên việc thống nhất mở này không đi ra khỏi quỹ đạo đáp án của Bộ, cũng không nhằm mục đích “nâng chất lượng” bằng biện pháp “vô tư cho điểm”.
Không phải chấm lại bài thi
“Với tư cách là thành viên chấm thanh tra bài thi môn văn của thí sinh TP.HCM tại Đồng Tháp, tôi thấy phần đáp án liên kết trước đáp án điều chỉnh của Bộ không có độ chênh quá lớn, tỉ lệ bài thi trên trung bình môn văn của thí sinh TP.HCM cũng không có quá nhiều điểm giỏi. Điểm bài thi môn văn chỉ có 3,01% đạt điểm giỏi. Khi chấm thanh tra 10% bài thi môn văn tại Đồng Tháp, điểm thay đổi có tăng, có giảm nằm trong biên độ cho phép (không vượt quá 1 điểm)” – cô Duyên khẳng định.
Còn theo bà Phan Thị Trinh, Chủ tịch Hội đồng chấm thi tỉnh An Giang (đơn vị chấm bài thi cho Kiên Giang), khi có đáp án bổ sung của Bộ, chúng tôi không phải chấm lại những bài đã chấm vì có sự trùng khớp với đáp án liên kết. Kết quả chấm thanh tra cho thấy có sự thay đổi điểm trong biên độ 0,25-0,5 điểm. Trong khi tại TP.HCM, khi có đáp án bổ sung của Bộ đã phải chấm lại hơn 10.000 bài thi của thí sinh các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và Bến Tre.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ THPT (Bộ GD&ĐT), cho biết: Quan điểm của Bộ là lắng nghe, xem xét lại và sẽ cho ý kiến chính thức sau khi phân tích kỹ lại đáp án liên kết của 11 tỉnh ĐBSCL.
Môn toán cũng chấm theo hướng “mở”
Sau vụ lùm xùm về “biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn”, Pháp Luật TP.HCM tìm hiểu và phát hiện ở ĐBSCL, cả môn toán cũng chấm theo hướng “mở”. Một giáo viên toán ở Hậu Giang cho biết ngày 5-6, tổ trưởng chấm thi môn toán cùng đồng nghiệp chấm thi các môn khác của 11 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã họp tại Cần Thơ và cùng thống nhất chấm điểm cho các thí sinh theo hướng “mở” nhằm giúp tỉ lệ của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngang bằng các vùng khác. Thỏa thuận này được lập thành biên bản, có chữ ký của đại diện 11 tỉnh, thành.
Theo biên bản hướng dẫn chấm thi môn toán (hệ THPT và giáo dục thường xuyên), việc chấm điểm “thoáng” hơn so với đáp án mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Cụ thể, như câu 1. a) chỉ cần ghi hàm số luôn nghịch biến cho 0,25 điểm; các đường tiệm cận không cần giải thích hay vẽ đồ thi, chỉ cần tương đối đúng dạng. Hay như ở câu b), biên bản hướng dẫn: Nếu chỉ kết luận đúng mà không ghi bước tính y vẫn cho điểm tối đa…
GIA TUỆ
|
Theo Quốc Việt
(phapluattp)
Bình luận (0)