Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đáp án môn ngữ văn “mở”, dự báo phổ điểm từ 7-7,5 điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều giảng viên đánh giá cao đáp án môn ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM khi thể hiện được tinh thần của đề thi mở. Học sinh dễ dàng lấy được điểm khi thể hiện được quan điểm, tư duy riêng của bản thân nhưng phải có kỹ năng, kiến thức chứ không thể viết bừa. Phổ điểm dao động từ 7-7,5 diểm.


Thí sinh vui mừng sau giờ thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 TP.HCM mới đây

Chiều 11-6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố đáp án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024.

Theo ThS. Trần Lê Duy – giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, đề thi càng mở thì càng cần hướng dẫn chấm cụ thể. Điều này đã được nêu ra rất cụ thể, khoa học trong đáp án chấm môn ngữ văn của TP.HCM song không phải là chi li khiến học sinh mất điểm. Đáp án đánh giá cao về kỹ năng của học sinh. Một học sinh chỉ cần có kỹ năng viết, kỹ năng lập luận thì đã có thể đạt được điểm trong đề.

“Với đề thi và đáp án này học sinh dễ dàng đạt được điểm trên trung bình. Tuy nhiên, để đạt được điểm giỏi thì học sinh phải thể hiện được nhiều kỹ năng như phân tích, giải thích, liên hệ, thể hiện rung động bản thân… Tức là các em phải có kỹ năng viết tốt và kiến thức vững về văn học, có năng khiếu văn chương. Như vậy, đề thi mở song tính phân hoá rất tốt” – ThS. Duy đánh giá.

Cụ thể, ở câu đọc hiểu văn bản, ThS. Duy cho rằng phổ điểm hợp lý. Riêng câu d trong phần này là câu hỏi mở, do đó đáp án rất phù hợp khi không nêu ra những ý cần có mà là miêu tả những tiêu chí về kỹ năng học sinh cần đạt được để có điểm.

Theo ông, đáp án đã tiếp cận được theo hướng phát triển năng lực học sinh, giúp học sinh có cơ hội để lấy được điểm. Học sinh có quyền trình bày quan điểm của mình, miễn là quan điểm đó rõ ràng thì sẽ có điểm. Đây là điều rất đáng hoan nghênh.

Với câu nghị luận xã hội, ThS. Duy nhận định đáp án rất mở, được miêu tả thành các kỹ năng, chứ không phải là đưa những ý cần có, ý nào bao nhiêu điểm, song đáp án cũng rất chặt chẽ về kỹ năng viết, đòi hỏi cao học sinh về tư duy phản biện.

Với việc nêu ra 3 phương án trong đáp án đã giúp học sinh thể hiện được quan điểm, tư duy của mình, lập luận với quan điểm đó. Điều này cho thấy rằng học sinh sẽ không thể học vẹt, học tủ được, thay vào đó đòi hỏi kỹ năng viết của các em phải chặt chẽ. Cho dù các em đi theo hướng nào thì đều cần đến sự phản biện.


Đề thi và đáp án môn ngữ văn tuyển sinh 10 của TP.HCM được đánh giá cao

“Đáp án mở nhưng học sinh không thể viết bừa mà đòi hỏi các em phải có kỹ năng viết, kỹ năng lập luận, phản biện mới có thể làm tốt được. Những học sinh có kỹ năng viết, kỹ năng lập luận, phản biện thì sẽ lấy được điểm cao hơn. Điều này phù hợp theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giảm áp lực thi cử cho học sinh” – ThS. Duy đánh giá.

Với câu nghị luận văn học, ThS. Trần Lê Duy phân tích, ở đề 1 là đề đóng, đáp án miêu tả rất rõ về kỹ năng cần có về mặt lập luận để có điểm. Dù vậy đòi hỏi thêm học sinh cần có kiến thức cơ bản về tác phẩm.

Tương tự, với đề 2, đáp án vẫn miêu tả về các kỹ năng lập luận, đồng thời tường minh được các thao tác để cho điểm. Điều này có nghĩa là đáp án rất mở nhưng trong cái mở đó có định hướng về cách làm, chặt chẽ tức là làm thế nào thì hợp lý. Đòi hỏi học sinh phải thể hiện được các kỹ năng phân tích, lập luận, biết khai thác nội dung, nghệ thuật, phải thấy được cảm xúc rung động của bản thân…

Theo giảng viên Trần Lê Duy, nhiều học sinh quan điểm rằng chọn đề 2 của nghị luận văn học để không phải học bài. Quan điểm này là không đúng, bởi nhìn vào đáp án chấm có thể thấy nếu các em không có kỹ năng, kiến thức văn học thì không thể làm tốt được. Đề 2 chỉ không đóng khung vào 1 tác phẩm văn học cụ thể nào nhưng đòi hỏi cao học sinh về kỹ năng viết để thực hiện được yêu cầu của đề.

“Những học sinh mà vừa có kiến thức về văn học, vừa tốt kỹ năng viết thì chắc chắn sẽ đạt được điểm cao trong đề này”- ThS. Duy nhìn nhận.

Dự báo phổ điểm từ 7-7,5

ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi – giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định, đáp án môn ngữ văn tuyển sinh 10 phù hợp với tính mở của đề thi tuyển sinh, khơi gợi được tư duy phản biện ở học sinh, tạo cơ hội cho các em được bộc lộ quan điểm cá nhân, miễn hợp lý và thuyết phục.

Đặc biệt, đáp án thể hiện rất rõ mục tiêu kiểm tra đánh giá theo năng lực khi chú ý đến đánh giá kĩ năng giải quyết tình huống của học sinh hơn là đặt trọng tâm vào khả năng ghi nhớ, học thuộc kiến thức. Cụ thể, ở phần đọc hiểu:

– Các câu a, b, d có thể giúp học sinh lấy trọn điểm. Trong đó, việc không chốt đáp án ở câu d, mà chỉ nêu những định hướng chung về cách làm bài đã thực hiện đúng tinh thần của câu hỏi vận dụng.

– Câu c đảm nhận nhiệm vụ phân hóa chính của phần đọc hiểu song đáp án nhẹ nhàng, học sinh hoàn toàn có thể trả lời tốt nếu biết phát hiện, bám sát vào các từ ngữ quan trọng của đoạn thơ.

Phần nghị luận xã hội, theo ThS. Khôi, 3 hướng giải quyết được đáp án đặt ra vừa cứu những học sinh không có lực viết tốt song lại vừa mở rộng biên độ sáng tạo cho học sinh giỏi.

Đối với câu nghị luận văn học, ThS. Khôi cho hay, đề 1 đáp án đã lựa chọn được những vấn đề then chốt về nội dung và nghệ thuật của vấn đề nghị luận. Phần liên hệ thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người hàm súc nhưng sáng rõ, khái quát được những ý nghĩa trọng yếu cần thể hiện trong bài viết.

Với đề 2, đáp án chỉ nêu những định hướng cơ bản cho việc lựa chọn và phân tích ngữ liệu phù hợp cũng như nêu bật điểm cốt yếu về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong học sinh.

“Phần phân hóa này mong muốn học sinh nêu những cảm nhận thật, nói lên những tác động thật của thơ ca đối với tâm hồn, tình cảm của các em chứ không khuyến khích các em lồng ghép kiến thức lí luận văn học vốn nặng nề và không phù hợp với lứa tuổi vào bài viết. Đây là điều rất đáng hoan nghênh trong đề thi và đáp án” – ThS. Khôi đánh giá.

Với đáp án mang tính mở của môn ngữ văn được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi dự đoán phổ điểm môn văn thi tuyển sinh 10 TP.HCM năm nay dao động từ 7-7,5 điểm. Ông đồng thời kì vọng sẽ có nhiều bài thi được điểm giỏi.

Yến Hoa

Bình luận (0)