Tòa soạnThư đi – tin lại

Đáp án thoáng, thí sinh dễ đạt điểm cao

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đáp án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2015-2016, nhiều giáo viên môn văn phấn khởi nhận định đề mở nên đáp án rất thoáng, không quá chi ly nên sẽ có nhiều thí sinh giành điểm cao.

Cô Nguyễn Thị Vân Hương, giáo viên môn văn, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) cho rằng: “Đáp án không quá chi ly mà cực kỳ thoáng nên rất dễ cho người chấm. Đề hay, đáp án thoáng, lúc chấm sẽ có bài này bài kia với những nhận định có thể trái chiều nhưng giáo viên sẽ linh hoạt. Vì thế, với những em có kỹ năng tốt, cộng với có cảm xúc khi cảm nhận văn chương, chắc chắn sẽ giành được điểm cao”.

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn văn vào lớp 10 năm học 2015-2016 tại Hội đồng thi Trường THCS Hồng Bàng, Q.5

Đáp án không chỉ thoáng mà còn có sự phân hóa rõ ràng để giáo viên chấm điểm dứt khoát cho từng đối tượng thí sinh có học lực trung bình, khá, giỏi. Đó là nhận xét của cô Cao Thị Nhỏ, giáo viên môn văn, Trường THCS Chu Văn An (Q.1). Cô Nhỏ phân tích: Đáp án ở cả 3 câu hỏi được đưa ra rất thoáng, có độ phân hóa cao, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Chẳng hạn như ở câu 4, đáp án không yêu cầu thí sinh phải liên hệ với đoạn thơ hoặc khổ thơ trong chương trình SGK mà có thể chấp nhận cả ngoài SGK về đề tài thiên nhiên để thấy điểm gặp gỡ của các nhà thơ viết về đề tài này. Như vậy, đáp án này chấp nhận khi thí sinh lấy những đoạn thơ ngoài chương trình của các bài thơ như Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), chùm thơ thu (Nguyễn Khuyến)… mà những bài nằm ngoài chương trình như vậy, thông thường chỉ có học sinh giỏi quan tâm và có cảm thụ tốt. Với học sinh giỏi, có kỹ năng và kiến thức tốt, đưa những kiến thức ngoài chương trình đã học vào phân tích, các em có cơ hội giành được điểm tuyệt đối. Với những học sinh trung bình, chỉ đáp ứng cơ bản về kỹ năng, kiến thức, phân tích hai khổ thơ Sang thu chưa thật kỹ; nêu được nội dung khổ thơ, đoạn thơ liên hệ nhưng ý về điểm gặp gỡ giữa các tác giả chưa phong phú thì đã có thể giành được 2 đến 2,5 điểm ở câu này…

Nói về cách chấm thi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay: “Theo truyền thống chấm thi nhiều năm qua, ngoài đáp án chung sở đưa ra, khi chấm thi, trước hết mỗi môn sẽ chọn khoảng 10 bài thi của thí sinh bất kỳ chấm thử, sau đó tổ trưởng chấm thi sẽ họp lại và cùng phản biện để thống nhất rồi mới bắt đầu chấm. Những năm qua giáo viên đã quen chấm với hình thức này, giám khảo chấm thi 1 với giám khảo chấm thi 2 làm việc rất độc lập nhưng khi khớp điểm lại thì khá đồng nhất. Vì thế, kết quả môn văn những năm gần đây học sinh và phụ huynh hài lòng, hiếm có em nào phúc khảo lại bài thi”.

Dự kiến, ngày 22-6, Sở GD-ĐT sẽ công bố điểm thi. Thí sinh làm đơn phúc khảo từ ngày 22 đến 24-6, dự kiến 11-7 công bố điểm chuẩn vào lớp 10 thường. Với lớp 10 chuyên, dự kiến công bố vào ngày 23-6.

Bài, ảnh: Dương Bình

 

Bình luận (0)