Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đất Chín Rồng kết nối không gian du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp tục chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế Bốn quốc gia – Một điểm đến, Hội thảo xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch ĐBSCL đã diễn ra ngày 13-9 là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Cà Mau 2011. Ngoài việc giới thiệu tiềm năng của vùng ĐBSCL, đây còn là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Đồng bằng sông Cửu Long là miền đất giàu tiềm năng du lịch
Đất Chín Rồng chuẩn bị cuộc chơi chung
Đề án Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 được Bộ VHTTDL phê duyệt, xác định mục tiêu biến vùng sông nước Tây Nam bộ – cửa ngõ ra biển Đông của dòng Mê Kông huyền thoại thành điểm đến sôi động, hấp dẫn với những sản phẩm đặc thù, mở ra khả năng kết nối nội vùng, liên vùng, liên quốc gia và quốc tế để trở thành một trong những trung tâm du lịch trên nền sông nước, biển đảo độc đáo, quy mô lớn của quốc gia và thế giới. Tầm nhìn chiến lược đã vạch rõ vị thế du lịch đồng bằng, nhưng để vào cuộc chơi chung, Đất Chín Rồng phải tìm ra cách làm và bước đi phù hợp.
Với đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, là vùng duy nhất trong nước vừa giáp biển Đông, vừa giáp biển Tây với bờ biển dài hơn 750km, có các đảo nổi tiếng như Phú Quốc, Mũi Cà Mau và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo…, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, không chỉ về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu – nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội – làng nghề truyền thống… đến du lịch biển đảo chất lượng cao và kết nối tour, tuyến với TP.HCM, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Một không gian du lịch đặc thù với sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng và TP.HCM không chỉ cho ĐBSCL, mà còn cho TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, với vùng khác và là cơ sở tạo ra sức mạnh để tăng cường hợp tác du lịch trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, hướng đến một thị trường chung trong ASEAN.
Các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã nhận thức được liên kết là chìa khóa phát triển. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL được thành lập đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy sự liên kết này. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm, các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh, thành.
 
Dòng Mê Kông – kết nối không gian du lịch
Chảy qua 6 nước, dòng Mê Kông mang theo những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên… nhiều màu sắc. Sự kỳ vĩ của đất nước Chùa Tháp, nét hoang sơ của mảnh đất Triệu Voi, sự bí ẩn của xứ sở những ngôi đền cổ tích Myanmar và một dãy đồng bằng của Đất Chín Rồng với nền "văn minh sông nước, miệt vườn” lại có núi non, biển đảo tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn, giàu sắc thái cho những tour du lịch "Bốn quốc gia – một điểm đến”. Theo Hội đồng Lữ hành & Du lịch thế giới, doanh thu dịch vụ du lịch các nước tiểu vùng sông Mê Kông năm 2010 đạt hơn 22,1 tỉ USD. Con số này chắc chắn sẽ được tăng cao hơn nữa nếu các nước trong khu vực sông Mê Kông tăng cường liên kết, khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của mỗi nước, đồng thời tạo ra không gian du lịch sống động hơn với nhiều "sản phẩm dùng chung” như "Con đường di sản Mê Kông”, "Con đường tơ lụa” trên Vịnh Thái Lan, "Tam giác du lịch”. Thương hiệu "Du lịch Mê Kông” hình thành như một điểm hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Hợp tác trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng không chỉ có ý nghĩa trong việc tiếp thị điểm đến, kết nối sản phẩm, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ trực tiếp dòng sông, yếu tố chính khởi tạo nên cả vùng.
 
 Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để phát triển ĐBSCL, cần xây dựng một cơ chế phối hợp năng động và hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Vấn đề là cần nâng mối quan hệ hợp tác đó lên tầm cao mới, trên cơ sở lợi ích của các bên. Cần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết trong khuôn khổ Ủy ban sông Mê Kông để có được một cơ chế hợp tác quốc gia theo vùng thật sự năng động và hiệu quả. Trong Chương trình phát triển du lịch "Bốn quốc gia – Một điểm đến”, du lịch ĐBSCL sẽ là nội dung quan trọng hình thành, phát triển "Hành lang kinh tế Mê Kông”, dựa vào trục sông Mê Kông với lịch sử hình thành phát triển, gắn bó lâu đời các thế hệ cư dân 4 nước, đã từng tạo ra nền văn minh sông nước có nhiều nét tương đồng. Nay trong xu thế hợp tác mới, với thế phát triển xuyên bán đảo Đông Dương ra Biển Đông, nối với tuyến hàng hải quốc tế Đông Tây (nơi có nhiều nền kinh tế lớn của thế giới) sẽ tạo thế và lực mới, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của các nước ven sông Mê Kông sang nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại; gắn với phát triển thương mại quốc tế, công nghiệp dầu khí, công nghiệp đóng tàu, dịch vụ tàu biển và đánh bắt hải sản. Phát triển giao thông thủy, bộ, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, hình thành các trung tâm phát triển trong vùng, mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn – là con đường đi đến một "thị trường chung ASEAN vào năm 2015”.
8 tháng đầu năm 2011, ĐBSCL đón hơn 10 triệu lượt du khách, tăng hơn 7% so cùng kỳ năm 2010; trong đó có khoảng 800 ngàn lượt khách nước ngoài. Du khách đến các điểm du lịch trong vùng tăng vọt hơn cùng kỳ, Đất Mũi Cà Mau tăng hơn 10 lần, Phú Quốc, Bà Chúa Xứ – Núi Sam, Châu Đốc … đều tăng. ĐBSCL đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư và khách du lịch quan tâm.
Theo Trần Hữu Hiệp
(daidoanlet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)