Trả lời câu hỏi của báo chí ngày 17/5 về trường hợp đất công chuyển nhượng không qua đấu giá thời gian qua khiến dư luận bức xúc, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho hay: Các vụ việc nổi cộm vừa qua đang trong quá trình điều tra, thanh tra và phải chờ kết quả từ phía cơ quan chức năng.
Theo ông Thịnh, Bộ Tài chính chỉ đề cập về nguyên tắc thu hồi số tiền, về quản lý nhà đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp. Từ trước tới nay, Bộ Tài chính quản lý khối này, quy định được nêu tại Nghị định 14/CP ngày 16/3/1998 cho đến các quyết định sau này, Nghị định 37/CP năm 2006, Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 và luật mới về tài sản công đều quyết định tài sản công giữa Trung ương và địa phương, hướng tài sản do cấp nào quản lý, cấp đó quyết định các vấn đề liên quan tới tài sản của mình.
Dự án tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm chuyển sang thành dự án nhà ở. Ảnh: TTXVN |
Đề cập tới việc công khai đấu giá tài sản còn thiếu minh bạch, xử lý ra sao? Đại diện Bộ Tài chính cho hay: Tài sản công, việc quản lý, sử dụng, xử lý không chỉ tuân thủ Luật Tài sản công, mà bên cạnh đó còn hệ thống pháp luật khác để bổ trợ như: Đầu vào thì có Luật Đấu thầu, trong quá trình cho thuê, chuyển nhượng lại có quy định về định giá, pháp luật về đất đai; khi bán đấu giá thì có quy định về bán đấu giá tài sản. Việc công khai thông tin và chế tài xử lý nếu không công khai thì thực hiện theo Nghị định 63 của Chính phủ về đấu giá và Nghị định xử lý vi phạm trong tư pháp.
Ông Thịnh cũng cho rằng, Nghị định 151/CP năm 2017 cũng có quy định các tài sản công khi mua bán chuyển nhượng phải đấu giá. Có các tài sản công giá trị nhỏ thì được bán chỉ định hoặc niêm yết giá (10 triệu đồng). Trong xử lý tài sản trong Luật Tài sản công thì các quy định về bán công khai phải đăng trên thông tin điện tử về tài sản công.. HIện nay trang này đăng rất nhiều thông tin về đấu giá, bán niêm yết tài sản công của các cơ quan đơn vị.
Mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát việc sử dụng đất của 60 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; trong đó có một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Min.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang được cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, nhưng lại không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hoá.
Việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn, nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. UBND thành phố phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến Thường trực UBND và không báo cáo HĐND trong kỳ họp gần nhất.
Trả lời câu hỏi về số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực đất đai, đại diện Cục Quản lý Công sản nói: “Cơ chế tài chính thu từ đất đai gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế, các loại phí liên quan đến đất đai. Hai khoản đầu là lớn nhất. Năm 2017, Bộ Tài chính thu tiền sử dụng đất được gần 127.000 tỷ, thuê đất khoảng 27.000 tỷ đồng. Đáng mừng là xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm với tỷ trọng khá cao, điều chỉnh dần theo tín hiệu thị trường liên quan đến việc giao đất cho thuê đất”. |
Bình luận (0)