Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dạt dào văn hóa sông nước phương Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023, tôn vinh những giá trị bản sắc và gọi tên tính cách văn hóa của một vùng đất. Không gian công cộng được tận dụng, phát huy giá trị, quảng bá văn hóa đồng thời kích cầu du lịch.

Dấu ấn sông nước

Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 khai mạc hôm nay, 4/8, kéo dài đến ngày 6/8, tại khu vực công viên Lam Sơn và công viên bến Bạch Đằng. Chương trình giới thiệu và tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, các loại hình nghệ thuật dân gian, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc ngoài trời cùng những trò chơi dân gian: nhảy sạp, nhảy bao bố, đi cà kheo, gánh nước qua cầu…

Lễ hội sông nước đã gọi tên một trong những tính cách văn hóa của người Việt miền Tây Nam Bộ: tính sông nước (đã được khái quát hóa trong nghiên cứu khoa học, theo Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Thêm chủ biên, 2018). Các tính cách khác là: tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực và tính mở thoáng.

Không gian mua bán, sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” trên bến Bình Đông vào mỗi dịp xuân về - ẢNH: TAM NGUYÊN

Không gian mua bán, sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” trên bến Bình Đông vào mỗi dịp xuân về. Ảnh: Tam Nguyên

Tính sông nước hình thành từ đặc trưng của địa lý tự nhiên vùng Nam Bộ và ứng xử của cộng đồng với môi trường tự nhiên ấy. Và “văn hóa sông nước” đã ảnh hưởng lên mọi bình diện của văn hóa phương Nam qua ca dao, tục ngữ, trang phục, nhà cửa, giao thông, ẩm thực…; đi vào các tác phẩm văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, lối sống sinh hoạt của cộng đồng.

Trong cuốn Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ (phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Lứa chủ biên), có ghi chép một phát hiện thú vị về giả thuyết hình thành những kênh rạch chằng chịt trên vùng đất này. Đó có thể là từ đường đi của trâu rừng, hàng trăm ngàn trâu rừng đã tụ họp và sinh sống trên vùng đất hoang vu, sình lầy vào thế kỷ XIII. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc hình thành mạng lưới giao thông, giao thương đường sông cũng như phương tiện đi lại của người dân. Một phần của văn hóa mưu sinh miền sông nước nay trở thành ký ức/dấu ấn văn hóa của miền Tây Nam Bộ: khách thương hồ (người buôn bán đường sông), nghề len trâu, cầu khỉ, chợ nổi, mùa nước nổi…

Dấu ấn sông nước không chỉ ở phương diện ăn, mặc, ở, đi lại (những thành tố trong tổ chức ứng xử với thiên nhiên của con người) mà còn ảnh hưởng rõ nét qua lời ăn tiếng nói. “Quá giang” (nhờ đi đò ngang qua sông, sau này được dùng phổ biến theo ý đi nhờ xe), “chìm xuồng” (không để vụ việc bị bưng bít), “khẳm” (nghĩa đen: ghe chở đầy, nghĩa khác: rất nhiều), “chơi tới bến” (chơi hết mình), “ba chìm bảy nổi”…

Các điệu lý cũng lấy hình tượng môi trường sông nước: Lý qua cầu, Lý bông súng, Lý cây bần, Lý bắc cầu… Ngôn ngữ và những biểu tượng, vật dụng đặc trưng của miền sông nước cũng được thể hiện đậm dấu ấn qua các tác phẩm văn học viết về vùng đất này, qua các tác phẩm của nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam, các nhà văn: Trang Thế Hy, Bình Nguyên Lộc, Lê Văn Thảo, Nguyễn Ngọc Tư; sau này là các nhà văn trẻ: Trương Chí Hùng, Lê Quang Trạng…

Lễ hội sông nước: Tôn vinh nhiều giá trị

Trong nhiều hội thảo, tọa đàm về việc khai thác hiệu quả không gian công cộng của TPHCM, luôn có nhiều ý kiến của các chuyên gia đề cập đến vấn đề phát huy giá trị của di sản sông rạch, khu vực ven sông Sài Gòn. Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023, một mặt tạo ra không gian vui chơi, giải trí với nhiều hoạt động nghệ thuật thú vị, ý nghĩa cho người dân; mặt khác, lớn lao hơn đó là tôn vinh các giá trị văn hóa miền sông nước, góp phần quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch. 

Nhiều năm qua, thành phố đã tổ chức thường xuyên các hoạt động: Hội hoa xuân và tuần lễ trái cây tại bến Bình Đông (đoạn kênh Tàu Hủ thuộc quận 8, vốn là nơi giao thương nhộn nhịp từ thế kỷ XVIII). Các hoạt động một phần nào đó đã tái hiện, gìn giữ nét đẹp của đời sống sinh hoạt, mưu sinh “trên bến dưới thuyền” ngày trước. Tại lễ hội sông nước lần này, không gian trên bến dưới thuyền cũng được tổ chức tại bến Bình Đông và kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận 1). 

Điểm nhấn của lễ hội là show diễn thực cảnh chủ đề “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” (diễn ra lúc 20 giờ ngày 6/8, tại khu vực cảng Sài Gòn), với câu chuyện từ thời khẩn hoang, mở cõi của vùng đất phương Nam cho đến sự phát triển của thành phố năng động, hiện đại hôm nay.

Lễ hội cũng tôn vinh các giá trị văn hóa bản sắc của vùng đất Nam Bộ và vùng Gia Định – Sài Gòn – TPHCM, trong đó, nổi bật có đờn ca tài tử (di sản văn hóa phi vật thể), múa bóng rỗi (nghệ thuật trình diễn dân gian, gắn với tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ, có từ thời khai hoang lập ấp), trò chơi dân gian, tái hiện văn hóa sinh hoạt miền sông nước…

Vùng đất của những dòng sông với “nước” trở thành biểu tượng trong tâm thức văn hóa của cộng đồng. Một lễ hội được đặt tên theo tính cách văn hóa của vùng đất như Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 là góc nhìn đầy sáng tạo, lần đầu tổ chức với quy mô lớn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, hy vọng để lại dấu ấn sâu sắc cho người dân và du khách.

Lễ hội cũng là câu chuyện của tận dụng và phát huy giá trị cho không gian công cộng, phát triển giao thông – du lịch đường sông hiện nay. Cộng đồng có không gian vui chơi và thêm hiểu biết, gắn bó và ý thức bảo vệ môi trường sông nước, đồng thời cùng góp phần gìn giữ những giá trị bản sắc từ tính cách văn hóa của một vùng đất. 

Theo Lục Diệp/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)