Toàn TP.HCM hiện chỉ có bậc THCS đã có giáo viên dạy nhạc họa, còn các trường THPT thì không. Trong khi đó, số lượng học sinh có nhu cầu học các môn này không phải ít. Cần tính toán, đặt hàng đào tạo giáo viên để tạo nguồn, cho vài năm tới sẽ có lực lượng dạy lĩnh vực này trong các trường THPT.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn thực hiện nghi thức ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 – 2027
Nhận định này được ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đưa ra trong buổi ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 – 2027 giữa Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn mới đây.
“Trắng” giáo viên dạy môn nghệ thuật bậc THPT
Theo ông Hiếu, nhờ sự chủ động của các phòng chuyên môn từ Sở GD-ĐT TP.HCM cùng sự năng động xây dựng chương trình kịp thời từ phía Trường ĐH Sài Gòn mà TP.HCM có được chương trình bồi dưỡng rất sớm. Tức là từ năm 2018, TP.HCM đã nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT và có đặt hàng Trường ĐH Sài Gòn để chuẩn bị đón đầu. Tuy nhiên việc đào tạo bồi dưỡng để đáp ứng được nhu cầu của thành phố còn đòi hỏi nhiều hơn. Cũng may mắn TP.HCM có nhiều trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn có thể đáp ứng được các yêu cầu bồi dưỡng tập huấn và nâng cao hơn chứ không chỉ đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
“Mình đặt ra mục tiêu không phải chỉ giảng dạy đủ chương trình mà còn cần hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục thành phố lên một bậc khác, không phải như yêu cầu tối thiểu”- Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Hiếu đơn cử ra một thực trạng là các môn nghệ thuật ở chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT có 2 tiết/tuần nhưng hiện không có giáo viên. Toàn thành phố hiện chỉ có bậc THCS đã có giáo viên dạy nhạc họa, còn các trường THPT thì không có. Trong khi đó, số lượng học sinh có nhu cầu học các môn này không phải ít. Ông Hiếu đặt vấn đề tính toán, đặt hàng đào tạo giáo viên để tạo nguồn, cho vài năm tới có được lực lượng dạy lĩnh vực này trong các trường THPT.
Với giáo viên tin học, tiểu học và bậc học mầm non có chương trình làm quen với tiếng Anh, Giám đốc sở cũng đề nghị hai bên cùng trao đổi thảo luận hướng đến thời điểm sau hoàn thành giai đoạn hợp tác toàn diện với Trường ĐH Sài Gòn thì cơ bản có đầy đủ giáo viên ở các trường để cho học sinh tự chọn theo hướng đáp ứng. Hiện nay học sinh đang chọn theo các môn trường có, giống như ăn buffet chỉ được chọn 1 trong 2 môn chứ không thể có lựa chọn khác.
“Chúng ta ở một thành phố lớn, các trường phổ thông cần xây dựng làm sao để học sinh phát triển được năng khiếu, hướng đến việc thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông là phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh chứ không phải dạy những gì mình có; làm sao đáp ứng được những gì học sinh muốn, học sinh thích và phát triển con người toàn diện”- ông Hiếu một lần nữa nhấn mạnh.
Sinh viên không “mặn” theo nghề
Trong khi giáo viên thì thiếu, nhu cầu học sinh thì nhiều, thế nhưng thực tế có những sinh viên tốt nghiệp lại không tham gia giảng dạy. Ông Phạm Hoàng Quân (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) chỉ ra, giáo viên tiếng Anh sau tốt nghiệp thường không đi dạy mà làm bên ngoài để có thu nhập cao. Với sư phạm mỹ thuật, ông Quân cho rằng khó tuyển đủ chỉ tiêu mặc dù người học được miễn học phí. Còn sư phạm âm nhạc thì tuyển sinh được nhưng sinh viên tốt nghiệp lại không đi dạy mà… đi hát bên ngoài. Ông Quân đặt vấn đề tuyển giáo viên mỹ thuật, âm nhạc cho liên trường vì nếu chỉ dạy một trường thì giờ dạy không nhiều, thu nhập thấp. Nếu là giáo viên trường này và là thỉnh giảng của 2, 3 trường khác nữa thu nhập sẽ cao hơn và họ sẽ gắn bó.
Theo chương trình hợp tác, hai bên sẽ cùng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Sở GD-ĐT TP.HCM. Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy các môn tin học và công nghệ, lịch sử và địa lí, khoa học tự nhiên… phối hợp tổ chức bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Phối hợp tính toán, xác định, tham mưu UBND TP.HCM giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên của TP.HCM theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học hằng năm. Bên cạnh đó, hai bên cũng phối hợp trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tài liệu, nội dung, chương trình và phương pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn thành phố. Phối hợp tổ chức công tác thực tập sư phạm cho sinh viên các ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sài Gòn… |
Ông Quân nhận định, việc mở sư phạm tin học bây giờ cũng sẽ vướng tình trạng tương tự sư phạm tiếng Anh, người học ra trường cũng sẽ không tham gia giảng dạy mà mà bị cuốn vào công việc bên ngoài để có thu nhập tốt. Vì vậy, ông Quân cũng đồng thời đề nghị thực hiện nghiêm việc thu hồi phí đào tạo sư phạm nếu sinh viên không theo nghề sau khi ra trường.
Trước ý kiến của Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, ông Hiếu cho hay, trong việc phối hợp đào tạo giữa trường và sở trong giai đoạn mới, những ý kiến liên quan đến đào tạo lực lượng giáo viên thuộc lĩnh vực đang khan hiếm như giáo viên tin học, ngoại ngữ… sẽ được đưa vào kiến nghị để làm sớm. Liên quan đến việc thu hồi phí đào tạo sư phạm với sinh viên tốt nghiệp mà không theo nghề, ông Hiếu cho rằng, đề xuất của ông Quân cần được nghiên cứu, trình phương án. Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý là làm sao tạo điều kiện và sắp xếp công việc khoa học để các sinh viên tốt nghiệp vui vẻ đi dạy, yêu nghề thì mới giải quyết được bài toán lâu dài của ngành.
Còn về đề xuất giáo viên công nghệ, nhạc họa… dạy cho một khu vực, ông Hiếu nhận định cần tính toán thêm vì vấn đề đặt ra ở chỗ dù giáo viên dạy nhiều trường nhưng vẫn phải có nơi làm việc và trả lương cụ thể.
Việt Ngân
Bình luận (0)