Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Ảnh: Như Ý |
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên, nêu băn khoăn về việc làm thế nào để đảm bảo cân bằng cung – cầu trong những năm đầu thực hiện Nghị định 116. Theo định mức của Bộ GD&ĐT, Thái Nguyên thiếu hơn 5.000 giáo viên (GV), nhưng biên chế Chính phủ giao thấp hơn rất nhiều. Do vậy, Thái Nguyên rất khó xác định chỉ tiêu để đặt hàng các đơn vị đào tạo. Nếu theo định mức thì Thái Nguyên thiếu hàng nghìn GV, nhưng tỉnh đã sử dụng hết biên chế giáo dục thực tế được giao.
Ông Hưng đề nghị, trong hướng dẫn, Bộ GD&ĐT cần làm rõ các địa phương xác định chỉ tiêu theo định mức mà Bộ GD&ĐT quy định hay theo biên chế địa phương được giao. Ông cho rằng, lượng sinh viên (SV) sư phạm ra trường chưa có việc làm còn lớn, nếu Thái Nguyên được giao thêm 5.000 biên chế thì có thể tuyển ngay được, không cần đào tạo thêm.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh,nói rằng, nhiều SV của tỉnh đã gác lại bằng sư phạm để đi làm tại các khu công nghiệp vì lương cao gấp đôi, gấp ba lương GV. Việc các trường sư phạm xác định chỉ tiêu căn cứ vào nhu cầu của địa phương đã được thực hiện mấy năm qua. Qua đó cho thấy, ở đa số địa phương, trong đó có Bắc Ninh, nhu cầu là nhu cầu tuyển dụng, chứ không phải nhu cầu sử dụng, nên thực tế các trường vẫn thiếu rất nhiều GV.
Ví dụ, Bắc Ninh năm ngoái thiếu từ hơn 2.000 đến gần 3.000 GV, nhưng nhu cầu theo báo cáo lại rất ít.“Theo cách làm mấy năm nay, Cục Nhà giáo gửi yêu cầu khảo sát về UBND tỉnh, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ, Sở Nội vụ đưa về Phòng Nội vụ các huyện, xác định nhu cầu tuyển dụng, nhưng nhu cầu tuyển dụng lại rất khó khăn. Nhiều tỉnh 10 năm mới mở một đợt tuyển dụng”, ông Tuyến nói.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ GD&ĐT, khẳng định, các địa phương xác định chỉ tiêu theo nhu cầu đào tạo, chứ không phải xác định nhu cầu tuyển dụng. Ông Khánh nói rằng, việc tuyển dụng GV phải theo Luật Công chức, viên chức; Nghị định không thể giải quyết được vấn đề này, nhưng nếu làm tốt từ xác định nhu cầu thì chắc chắn khi tuyển dụng sẽ thuận lợi. Thường trực Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu ngành giáo dục rà soát lại tất cả các vấn đề liên quan đến biên chế và sẽ có giải pháp riêng cho ngành về vấn đề này.
Không thể chỉ mình Bộ GD&ĐT loay hoay
Ông Thanh lấy ví dụ, Nghị định 141 ra đời khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực năm 2012 có một điều khoản quy định rất rõ – xếp giáo sư vào hạng 1 và mức lương khởi điểm tương đương chuyên gia cao cấp. Nhưng khi triển khai, Bộ Nội vụ không đồng ý vì nếu xếp vào mức lương chuyên gia cao cấp là tương đương cấp thứ trưởng, nên vấn đề bị tắc từ 2013 đến nay.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đào tạo đặt hàng đã có bài học từ đào tạo cử tuyển, đào tạo xong có nhiều em không quay về phục vụ địa phương, không những thế, sàn đầu vào thấp, chất lượng vừa phải. Theo ông, Nghị định 116 có quy định giao các cơ sở giáo dục sư phạm địa phương đào tạo GV theo nhu cầu của địa phương, như vậy, các tỉnh chắc chắn sẽ giao cho trường địa phương, nếu thừa mới đến các trường khác. Điều này có nghĩa SV sẽ đăng ký học ở các cơ sở giáo dục – đào tạo GV có chất lượng thấp trước khi đến với các cơ sở có chất lượng cao hơn. “Vậy đây là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo GV hay hạ thấp chất lượng đào tạo GV? Phải chăng Bộ đang đặt ra bài toán ngược?”, ông băn khoăn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói rằng, Nghị định 116/2020 không thể giải quyết triệt để về đảm bảo cân đối cung – cầu, mà chủ yếu cần tôn trọng cơ chế thị trường, lựa chọn của người học và quy trình tuyển dụng. Một nguyên tắc ông Sơn nhấn mạnh là công khai, minh bạch. Muốn đảm bảo chất lượng, các địa phương cần công khai rõ tiêu chí, nhu cầu, các trường công khai rõ tình hình tuyển sinh năm trước, năng lực, chất lượng đào tạo để địa phương và người học cùng đánh giá, lựa chọn. |
Ông Minh cho rằng, có hai vấn đề cần lưu ý khi đấu thầu đào tạo GV;đó là năng lực của cơ sở đào tạo và giá. Hiện nay, cơ sở nào cũng tuyên bố đào tạo chất lượng cao. Rất khó nói về năng lực, thế nên vấn đề còn lại là giá; tất nhiên, giá phải theo trần quy định. “Cạnh tranh về giá có những mặt tích cực, nhưng nếu thiếu thận trọng thì sẽ có những tiêu cực, mà tiêu cực để ra đời những thế hệ nhà giáo chất lượng không cao thì hệ lụy khôn lường”, ông nhận định.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)