Đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng để đổi mới thành công thì đội ngũ giáo viên cần phải có niềm tin vào công cuộc đổi mới…
+ NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Tạo cho đội ngũ giáo viên niềm tin đổi mới
Giáo dục hiện đang trong quá trình đổi mới, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, trong đổi mới ngoài chú trọng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo cần được quan tâm hơn nữa. Trước hết, quan tâm đến khâu đào tạo, sao cho thích ứng tốt nhất với chương trình mới, làm sao để giáo viên nhận ra rằng đổi mới là cần thiết. Ngoài bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thì cần phải đẩy mạnh công tác tư tưởng, bồi dưỡng nhận thức, giúp giáo viên hiểu đổi mới là nhu cầu tự thân. Như vậy, các lớp bồi dưỡng cần được xây dựng lại, không chỉ dừng lại ở bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa mà điều quan trọng là cần giúp giáo viên nhận ra cốt lõi của đổi mới, tạo cho thầy cô giáo niềm tin là đổi mới sẽ giúp giáo dục “thay da đổi thịt”.
Khi triển khai chương trình mới, việc bồi dưỡng phải đi trước một bước. Hiện nay, quá trình bồi dưỡng được thực hiện song song với triển khai chương trình thì việc bồi dưỡng cần có người kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, hơn ai hết là đội ngũ cán bộ quản lý cần phải được bồi dưỡng nắm sâu, nắm sát tư tưởng, vai trò của đổi mới giáo dục, mới lan tỏa được công cuộc đổi mới giáo dục. Các trường sư phạm cần phải đi trước một bước đón đầu trong đào tạo giáo viên, làm sao khi sinh viên sư phạm ra trường đáp ứng được với những đòi hỏi của chương trình mới.
Về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để khắc phục thực trạng giáo viên môn thừa môn thiếu, nơi thừa nơi thiếu. Với các tỉnh/thành lớn chỉ nên có 1 trường sư phạm, các tỉnh nhỏ thì cụm tỉnh có một trường sư phạm. Trường sư phạm của từng địa phương hoặc của cụm địa phương chỉ đào tạo giáo viên cho địa phương đó, cụm địa phương đó. Dựa trên số giáo viên sắp nghỉ hưu, nghỉ việc, mạng lưới phát triển trường lớp để dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên cần ở từng môn, từng bậc học, như vậy đào tạo sẽ khớp với nhu cầu thực tế, tránh tình trạng lãng phí. Khi ra trường nên có xếp thứ hạng sinh viên tốt nghiệp, để ưu tiên cho sinh viên chọn trường. Việc làm này không chỉ khuyến khích sinh viên trong quá trình học phấn đấu học tập mà cũng tránh tiêu cực trong quá trình phân bổ giáo viên. Việc quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm cũng giúp đảm bảo đào tạo chất lượng giáo dục chặt chẽ, không phải “có vào có ra”. Về chế độ chính sách, cần nghiên cứu có chế độ chính sách đảm bảo đời sống cho giáo viên, đảm bảo giáo viên sống được với nghề, đầu tư cho nghề.
Những điều này không phải một ngày, hai ngày làm được mà cần có chiến lược dài hơi, với những bước đi rõ ràng, nhất quán chứ không phải nay thế này, mai thế khác sẽ làm mất niềm tin của đội ngũ giáo viên với giáo dục, của xã hội với giáo dục.
+ Ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, TP.HCM): Tự chủ tài chính không thể cào bằng
Mong mỏi trước hết vẫn là thay đổi về lương để những công sức giáo viên bỏ ra với nghề ít nhất là được… trả lương đủ sống. Tiếp đó là nên bớt những việc học không cần thiết cho giáo viên, đơn cử như chức năng nghề nghiệp, nếu hạng nhất phải thạc sĩ nhưng giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non cần thạc sĩ để làm gì, có cần thiết không. Các thông tư, quy định ban hành cần mang tính thực tế, hướng đến giải quyết và loại bỏ những tồn đọng, nên có các tiêu chí mở phù hợp với điều kiện vùng miền, điều kiện giáo viên từng cấp học. Đặc biệt, hệ thống giáo dục ngoài công lập cần phải được quan tâm với những chế độ chính sách nhiều hơn nữa. Thậm chí phải dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục ngoài công lập nhiều hơn cả công lập. Có như thế mới giúp giáo dục ngoài công lập khởi sắc, giúp các nhà đầu tư an tâm mở rộng hệ thống trường lớp, san sẻ gánh nặng cho giáo dục công. Về lâu dài, thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục công lập và ngoài công lập sẽ giải quyết bài toán thiếu cơ sở vật chất, trường lớp, “nóng” tuyển sinh đầu cấp…
Bộ GD-ĐT phải có ý kiến với Bộ Tài chính để điều chỉnh quy định về tự chủ giáo dục. Nên giao tự chủ tài chính về cho từng địa phương chứ không nên áp đặt chỉ tiêu. Tự chủ tài chính trong giáo dục hiện nay là phù hợp, cần thiết, song phải có cơ chế, không thể cào bằng. Trường công lập muốn tự chủ tài chính phải có lộ trình phù hợp và để từng trường quyết định. Bên cạnh đó, nên có chính sách biên chế phòng ban theo số dân. Bởi thực tế hiện nay, nhân sự trong các phòng GD-ĐT quận/huyện đang có sự cào bằng. Ví dụ, huyện Cần Giờ có 25 ngàn dân, nhân sự phòng GD-ĐT có mười mấy người; quận Bình Tân, quận Bình Thạnh dân số gấp 3 lần nhưng nhân sự phòng GD-ĐT cũng chỉ bằng đó, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải có quá trình thực nghiệm ít nhất là 1 năm trước đó để điều chỉnh phù hợp, chứ không phải giáo viên vừa dạy vừa… nhặt sạn. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nên trao quyền tự chủ hơn nữa cho từng nhà trường trong việc thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Thành Nam (ghi)
Bình luận (0)