Sự kiện giáo dụcTin tức

Đặt lợi nhuận lên trên trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Ban Văn hóa xã hội thuộc HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo một đài truyền hình trên địa bàn TP.HCM về tình hình chấp hành Pháp lệnh Quảng cáo 2001 trong việc thực hiện quảng cáo thời gian qua của đài.

Tại TP.HCM, Đài Truyền hình H. được xem là “ông trùm” trong phát thanh truyền hình bởi ngoài 17 kênh do mình trực tiếp sản xuất thì H. còn có rất nhiều kênh chuyển nhượng cho một số doanh nghiệp thực hiện. Như vậy, ngoài nôi dung thông tin, có thể nói H. cũng là một “ông trùm” trong lĩnh vực quảng cáo. Nhất là khi ông Giám đốc Đài H. khẳng định doanh thu từ quảng cáo mang lại cho đài khá cao, tính đến thời điểm tháng 9-2011, Trung tâm Dịch vụ đã thu được hơn 800 tỉ đồng (giảm 20% so với năm 2010).
Quảng cáo nhiều ắt có sai phạm. Thế nhưng, ông Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng, sai phạm trong thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo tại H. chủ yếu bị… nhắc nhở, khiển trách nhiều hơn là xử phạt. Tuy nhiên, nếu có sai phạm thì H. dù chịu xử phạt nhưng nhất định không thừa nhận trách nhiệm. Đây hẳn là một nghịch lý khi ông Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đài H. ví von: “Với quảng cáo, Đài H. cũng chỉ như bức tường trong nghệ thuật graffiti (vẽ tranh lên tường) giúp các doanh nghiệp phản ánh, chuyển tải thông điệp đến người tiêu dùng. Vì vậy, khi quảng cáo đến tay Đài H. nếu thấy không vi phạm về Pháp lệnh Quảng cáo thì chúng tôi cho phát sóng, còn nội dung quảng cáo ra sao, như thế nào là do… khách hàng chịu trách nhiệm chứ không thuộc thẩm quyền của Đài H.!”.
Có lẽ là bức tường thật nên bấy lâu nay, H. không nghe thấy sự “lầm than” của công chúng như: quảng cáo quá nhiều trong phim, quảng cáo không hợp giờ “vàng”, nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam… Khi nói H. chỉ là bức tường quảng cáo, hẳn ông Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đài H. đã quá xem nhẹ tính năng của đài mình, trong đó có tính ảnh hưởng và định hướng dư luận (một trong những nhiệm vụ chính trị của công tác tuyên truyền). Bởi đối với người Việt Nam, quảng cáo không đơn thuần là quảng cáo mà còn phải thể hiện tính nhân văn, có thẩm mỹ trong nội dung, hình thức, giúp công chúng định hướng tiêu dùng bởi mục đích cuối cùng của quảng cáo cũng là để sản phẩm đến gần hơn công chúng. Do đó, quảng cáo mà không kiểm soát được nội dung, nếu nội dung đó sai mà vẫn quảng cáo thì vô tình Đài H. đã tiếp tay cho doanh nghiệp lừa đảo công chúng? Xem ra, Đài H. đã đặt lợi nhuận trên cả trách nhiệm, niềm tin với nhân dân khi chuyển tải nội dung quảng cáo cho các doanh nghiệp.
Hơn ai hết, hẳn Đài H. phải hiểu rằng sự lớn mạnh của mình phụ thuộc rất nhiều vào công chúng, ở sự yêu thích và tin tưởng. Bởi vậy nên có không ít người tiêu dùng đã tin tưởng sản phẩm quảng cáo thông qua tin tưởng kênh truyền hình. Thế nên Đài H. nếu còn cho rằng mình chỉ là bức tường vô tri, mặc ai muốn vẽ vời lên sao cũng được thì có lẽ, công chúng sẽ phải khổ sở để tự đi tìm cho mình lời giải: có nên sử dụng sản phẩm quảng cáo trên… bức tường hay không?
Tuyết Dân

Bình luận (0)