Phục long can là vị thuốc được lấy từ đất lòng bếp ở nông thôn đun bằng rơm rạ hoặc củi. Người ta đào lấy khối đất đã nung nóng kết lại, loại bỏ những phần cháy đen và tạp chất. Vị thuốc còn được chế từ hoàng thổ (đất sét vàng) đem gia nhiệt, nghĩa là đốt nhiều lần như đun bếp nên còn có tên là táo tâm hoàng thổ.
Vị thuốc phục long can được lấy từ đất dưới bếp đun bằng rơm, củi. |
Phục long can hình khối to nhỏ không đều, toàn thể màu nâu đỏ, chất tương đối cứng, rạch vào dễ vụn ra có bột vụn rơi rớt, mặt cắt ngang mịn, màu hơi sẫm thường có hình lỗ tổ ong, mùi khói. Thứ thành khối to, đều đặn, màu nâu đỏ, chất mềm là tốt. Thành phần hóa học chủ yếu là chất vô cơ, gồm các nguyên tố vi lượng và đa lượng.
Theo Đông y phục long can vị nhạt, tính ấm, quy kinh tỳ, vị. Tác dụng ôn trung, sáp trường, cầm nôn, chỉ huyết. Điều trị các chứng nôn mửa, phiên vị (ăn vào nôn ra), các chứng thổ huyết, đổ máu cam, đại tiểu tiện ra máu, phụ nữ băng huyết, xích đới, bạch đới. Liều dùng từ 12-40g. Khi dùng khuấy tan trong nước, lắng, lọc, loại bỏ tạp chất, lấy dịch trong cho vào thuốc sắc.
Xin giới thiệu một số bài thuốc có phục long can:
Bài 1: Trường hợp có thai 2-3 tháng nôn ra đờm dãi hoặc bọt dính, hung cách đầy tức, hoa mắt chóng mặt, khát nước, mặt đỏ bừng, ưa uống nước lạnh do hàn, nhiệt lẫn lộn, trung hư khí nghịch dùng bài Củng thị nhâm thần chỉ thổ phương để thanh vị, ấm tỳ, trấn nghịch, cầm nôn, hóa thấp, trừ đàm: phục long can 40g, sa sâm 15g, phục linh 12g, can khương 6g, hoàng cầm 6g, cam thảo 4g, bạch truật 12g, bán hạ 10g, trần bì 12g, sinh khương 10g, hoàng liên 4g. Sắc uống.
Bài 2: Nếu mới thụ thai nôn mửa, không ăn được, nôn ra nước trong, vị quản trướng hoặc đau âm ỉ, ưa ăn đồ nóng, nằm co, chân tay lạnh, mặt nhợt, cảm giác ớn lạnh do vị hàn gây nên, pháp điều trị là ấm vị, trừ hàn, chống nôn dùng bài Dương thị ố trở phương: phục long can 30g, trần bì 15g, đại táo 10 quả, sinh khương 30g, trúc nhự 15g, sắc uống.
Bài 3: Trường hợp thể trạng yếu, đầu choáng, hồi hộp, tâm tính ủy mị, do vị hàn kiêm thêm chứng hư dùng bài Ngô thị sinh khương kê nhục thang: phục long can 60g, sinh khương 60g, gà non 1 con. Cách chế như sau: làm thịt gà, bỏ ruột cho sinh khương vào bụng gà, đặt vào nồi đất, dùng dịch lọc phục long can pha thêm chút muối, đậy kín, nấu chín, ăn cả gà lẫn nước, ngày 1 lần hoặc cách ngày.
Bài 4: Trong giai đoạn đầu của thai kỳ nôn ra nước chua hoặc nước đắng, ngực cồn cào, khó chịu, miệng đắng, ợ hơi do đàm nhiệt nung nấu bên trong, can, vị bất hòa dùng bài Gia vị ôn đởm thang để tả can, hòa vị, hóa đàm, thanh nhiệt, giáng nghịch, cầm nôn: táo tâm hoàng thổ 24g, trần bì 6g, chỉ xác 6g, hoắc hương 4g, bán hạ 10g, hoàng liên 6g, tô ngạnh 10g, trúc nhự 8g, phục linh 12g, sa nhân 4g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần.
Bài 5: Chữa nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiện có máu, phụ nữ rong kinh, băng huyết do tỳ khí hư hàn phải ôn dương, kiện tỳ, dưỡng huyết, cầm máu, dùng bài Hoàng thổ thang: phục long can 24 g, hắc phụ tử 12g, hoàng cầm 12g, trích thảo 12g, bạch truật 16g, a giao 16g, sinh địa hoàng 16 g. Sắc uống.
Bài 6: Trường hợp tả, lị lâu ngày, đại tiện ra máu, mủ, bụng đau, trướng, mệt mỏi, khát nước, hồi hộp, đoản hơi do khí và âm đều tổn thương, trung khí hạ hãm dùng bài Phương thị trường viêm kinh nghiệm phương để thăng thanh, kiện tỳ, ích khí dưỡng âm, chỉ tả, hòa can: phục long can 60g, hoàng kỳ 30g, đảng sâm 30g, thương truật 10g, trần bì 10g, thăng ma 10g, đương quy 12g, ngũ vị tử 10g. Sắc uống.
Theo DSCKI. Phạm Hinh
Sức khỏe & Đời sống
Sức khỏe & Đời sống
Bình luận (0)