Đến chậm nhất 17 giờ ngày 10-5, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ chốt việc đăng ký dự thi và chọn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026. Năm đầu tiên kỳ thi diễn ra theo Chương trình GDPT 2018, vì thế việc chọn nguyện vọng phụ huynh học sinh cũng cần phải lưu ý thêm nhiều yếu tố để tăng thêm khả năng trúng tuyển.

Quan tâm đến chiến lược phát triển đặc thù của trường
Với định hướng chiến lược phát triển nhà trường gắn với hội nhập quốc tế, năm học 2024-2025, Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1) xây dựng các nhóm môn học lựa chọn lớp 10 đều có môn tin học bắt buộc. Đồng thời các hoạt động giáo dục của trường được tổ chức cũng hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế sâu rộng cho học sinh, giáo dục học sinh trở thành những công dân toàn cầu có đủ kiến thức, năng lực.
Do đó, cô Trần Thị Hồng Thủy – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa khuyên, khi lựa chọn nguyện vọng lớp 10, phụ huynh học sinh cần đặc biệt lưu ý đến chiến lược phát triển của trường THPT thông qua các hoạt động giáo dục đặc thù, để đảm bảo quyền lợi cho con theo học suốt 3 năm THPT.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP.Thủ Đức, để chọn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10, trước hết phụ huynh học sinh cần đánh giá được đúng năng lực học tập của con em mình. Năng lực học tập không chỉ thể hiện qua kết quả các bài kiểm tra trên lớp mà cần được đánh giá tổng thể, toàn diện trong suốt 4 năm học THCS, đặc biệt là ở năm học lớp 9, với những đánh giá, nhận định từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn chứ không phải chỉ qua điểm số trên lớp. Từ năng lực học tập mới lựa chọn trường THPT với điểm chuẩn phù hợp.
“Thế nhưng, điểm chuẩn không phải là yếu tố quyết định tất cả khi chọn trường THPT. Chúng tôi và các thầy cô chủ nhiệm trong quá trình tư vấn vẫn khuyên phụ huynh học sinh cần phải cân nhắc thật kỹ thêm về môi trường giáo dục của trường khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 bao gồm các môn học lựa chọn, mô hình đặc thù của trường, khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường…, để giúp học sinh không chỉ gia tăng khả năng trúng tuyển mà còn có thể học tập tốt nhất sau khi trúng tuyển vào trường” – cô Hằng nhấn mạnh.
Phụ huynh cần đồng hành cùng con
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, đối với việc lựa chọn nguyện vọng, phụ huynh cần cùng con đưa ra lựa chọn chứ không nên áp đặt con chọn nguyện vọng theo mong muốn của bản thân song cũng không quá chủ quan vào sức học của con.
Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần đánh giá được đúng năng lực thực sự của con em mình, cùng với điều kiện gia đình, mục tiêu định hướng nghề nghiệp để cùng với con chọn ngã rẽ phù hợp, có thể là tiếp tục học lớp 10 THPT công lập hay ngoài công lập, GDTX, nghề… Bất cứ hướng đi nào cũng đều có thể dẫn đến đích thành công, quan trọng là cách thức học tập, mục tiêu và nỗ lực của mỗi học sinh.

“Khi đặt nguyện vọng lớp 10, phụ huynh học sinh cần xếp theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên. Nguyện vọng nào mà con mong muốn học nhất thì đặt làm nguyện vọng 1. Tuy nhiên, tuyệt đối không đặt nguyện vọng cho có, đặt nguyện vọng quá xa nơi cư trú dẫn đến tình trạng trúng tuyển nhưng không thể theo học. Các nguyện vọng đều phải được đánh giá từ năng lực học tập của con, điều kiện theo học để đảm bảo rằng sau khi trúng tuyển con có môi trường học tập tốt nhất” – ông Quốc phân tích.
ý thêm về đăng ký nguyện vọng lớp 10, ông Nguyễn Bảo Quốc khuyên phụ huynh học sinh khi chọn nguyện vọng trường THPT cần phải cân nhắc đến cách thức tổ chức nhóm môn học lựa chọn của trường khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, môi trường giáo dục của trường thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù, hoạt động các câu lạc bộ, chương trình giáo dục ngoại khóa…
“Tất cả những thông tin này hiện đều được các trường THPT đưa lên trang web của trường, đặc biệt là đều có trên trang tuyển sinh 10 của thành phố với địa chỉ https://ts10.hcm.edu.vn. Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, phụ huynh học sinh nên tham khảo kỹ các thông tin này, đảm bảo rằng lựa chọn được cho con môi trường giáo dục phù hợp nhất để con có thể phát huy được năng lực, phẩm chất, năng khiếu trong suốt 3 năm học THPT, từ đó giúp con định hướng được nghề nghiệp phù hợp nhất” – ông Nguyễn Bảo Quốc khuyên.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm nay là năm đầu tiên Sở GD-ĐT ban hành đề minh họa ở môn thi tuyển sinh vào lớp 10, cũng như định hướng cấu trúc, ma trận đề thi, nội dung kiến thức trong đề thi ở từng môn thi ngay từ đầu năm học.
Từ định hướng này, các phòng GD-ĐT, trường THCS đã xây dựng chiến lược dạy và học cho học sinh lớp 9 ngay từ sớm, giúp học sinh tiệm cận được với ma trận, kiến thức của đề thi tuyển sinh trong cả 3 môn thi tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực. Ngoài ra, riêng đối với môn toán, hội đồng bộ môn toán của thành phố đều có biên soạn thêm các bộ đề tham khảo trong môn học này, bám sát cấu trúc và định hướng của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán. Mỗi địa phương sẽ biên soạn khoảng 3 đề và được tập hợp lại thành một ngân hàng dữ liệu đề tham khảo chất lượng, gửi đến các trường THCS trên địa bàn thành phố. Từ đó, giúp giáo viên có thêm nguồn tài liệu giảng dạy chất lượng để rèn luyện cho học sinh làm quen các dạng bài; học sinh có thêm nguồn tư liệu để ôn tập, rèn luyện và hình thành kỹ năng làm bài.
Thời điểm này, học sinh cần hệ thống lại kiến thức trong từng môn thi, bám sát theo ma trận, cấu trúc đề thi. Phần kiến thức nào chưa nắm vững, còn hổng thì lên kế hoạch ôn tập, với sự hỗ trợ của thầy cô bộ môn. Việc ôn tập ở 3 môn thi cần khoa học, sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe. Đối với việc học thêm cần phải vừa sức với các em, để các em có thời gian nghỉ ngơi, tránh việc học thêm quá nhiều bởi có thể sẽ gây tác dụng ngược, tạo thêm áp lực về kỳ thi tuyển sinh cho học sinh.
“Để con có tâm lý tốt nhất bước vào kỳ thi, phụ huynh cần đồng hành cùng con, quan tâm và thường xuyên động viên con nỗ lực. Việc tạo sức ép, so sánh con em mình với bạn bè chỉ càng tạo thêm cho các em áp lực, có thể ảnh hưởng đến tâm lý các em tham gia trong kỳ thi” – ông Quốc khuyên.
Yến Khương
Bình luận (0)