Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

“Đắt sô” ngành Môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nào điểm chuẩn vào Khoa Môi trường của trường ĐH KHTN cũng vào loại cao trong hệ thống ĐHQG Hà Nội. Điểm cao nhưng thí sinh vẫn đăng ký vào đông. Vì sao?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Cự – Phó Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) về ngành học này.
Thưa PGS, được biết ngành Khoa học môi trường của Khoa Môi trường, điểm chuẩn năm nào cũng từ 25-26 điểm. Tại sao điểm chuẩn vào ngành này lại cao và có sức thu hút thí sinh như thế?
Hiện nay, môi trường đang trở thành bức xúc có ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển kinh tế xã hội của con người. Ví dụ như các vấn đề về biến đổi khí hậu khí hậu toàn cầu, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí. Lý do dẫn đến tình trạng trên là do phát triển kinh tế xã hội và khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách không hợp lý, môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không nghiên cứu về môi trường thì chúng ta không thể nói đến phát triển bền vững được.
Để quản lý tốt môi trường không chỉ liên quan tới từng địa phương, từng quốc gia mà nó còn là vấn đề của toàn cầu. Do vậy nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ và khả năng giải quyết các vấn đề môi trường là rất lớn. Xuất phát từ nhu cầu thực tế cùng với truyền thống đào tạo trong nhiều năm qua, Khoa Môi trường đã thu hút một số lượng khá đông thí sinh có nguyện vọng được học tập tại Khoa. Có thể nói đây như là “thương hiệu” đã được tạo ra ở Khoa Môi trường.
Sinh viên học ở Khoa Môi trường đều được trang bị  những kiến thức cơ bản, chuyên sâu và những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đây là điều kiện cơ bản cho sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Môi trường đều có cơ hội tìm được việc làm. Trong đó, nhiều sinh viên khá, giỏi đã được các doanh nghiệp “đặt hàng” trước
PGS.TS Nguyễn Xuân Cự
Được biết, đây là đơn vị đầu tiên đào tạo cử nhân khoa học về lĩnh vực môi trường của cả nước được thành lập từ năm 1995. PGS có thể giới thiệu cụ thể về đào tạo từng ngành của Khoa cho thí sinh hiểu rõ hơn?
Các ngành đang được đào tạo tại Khoa môi trường bao gồm: Khoa học môi trường, Công nghệ môi trường và Khoa học đất. Trong chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được học những kiến thức chung tổng hợp về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn, ngoại ngữ. Đặc biệt là các kiến thức chuyên sâu đa dạng về khoa học môi trường, các kỹ năng quản lý, nghiên cứu và thực hiện các chương trình dự án về môi trường.
Ngành Khoa học Môi trường sinh viên được trang bị đầy đủ những kỹ năng phân tích, đánh giá môi trường các vùng lãnh thổ, sử dụng các công cụ tin học, hệ thông tin địa lý và kỹ thuật viễn thám trong nghiên cứu môi trường, đánh giá tác động môi trường các dự án và hoạt động kinh tế xã hội, quản lý môi trường, quy hoạch môi trường, mô hình hóa môi trường, đề xuất các công cụ luật pháp, chính sách và kinh tế cho công tác bảo vệ môi trường, quan hệ tác động qua lại giữa con người và các hệ sinh thái trong tự nhiên, diễn biến và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…
Ngành Công nghệ Môi trường sinh viên trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ xử lý ô nhiễm, như: công nghệ xử lý khí thải, xử lý nước cấp, xử lý nước thải, xử lý đất ô nhiễm và chất thải rắn, xử lý chất thải nguy hại.     
Ngành Khoa học đất, sinh viên sẽ được học về các quá trình trong đất, dinh dưỡng cây trồng, quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất đai, sinh thái học đất, đánh giá tác động của các quá trình sử dụng đến tài nguyên và môi trường đất, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường đất, quá trình suy thoái tài nguyên đất, sa mạc hóa đất đai…  Bên cạnh đó, sinh viên cũng được trang bị những kiến thức cơ bản về địa chất, khoáng vật, phân tích các đối tượng đất, nước, phân bón, thực vật trong phòng thí nghiệm. Đặc biệt là các kiến thức về khoa học môi trường, quản lý và cải tạo các loại đất có vấn đề như đất phèn, đất mặn, đất chua, đất thoái hóa…
Một ưu thế khác của Khoa Môi tường là có các chương trình đào tạo liên thông từ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Sau mỗi bậc học, sinh viên có thể được chuyển tiếp hoặc thi tuyển vào học ở trình độ cao hơn phụ thuộc vào kết quả học tập.
Hiện nay cả thế giới đang rất lo lắng về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trước thực tế trên thì hướng nghiên cứu và đào tạo của khoa có thay đổi không?
Để đáp ứng sự thay đổi trên, Khoa Môi trường đang nghiên cứu và triển khai các lĩnh vực: Sinh thái nhân văn, An toàn môi trường và phát triển bền vững, Sử dụng công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn, Các quá trình giảm thiểu ô nhiễm, Các thích ứng với tác động của sự thay đổi các điều kiện tự nhiên (đất, nước, không khí,…), Công nghệ sản xuất ít phát thải các bon, sự phát thải các khí nhà kính, Năng lượng và môi trường… Nghiên cứu môi trường là vấn đề phức tạp và có sự biến đổi không ngừng, do vậy chủ trương của Khoa là đào tạo cơ bản, ứng dụng, chuyên sâu và có khả năng thích ứng nhanh với điều kiện thực tế.
 Khi học xong các sinh viên thường làm việc ở các đơn vị nào là chủ yếu thưa PGS?
Các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý tại các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường ở các tỉnh, các phòng Tài nguyên và Môi trường ở các huyện, các nhà máy xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực môi trường và khai thác tài nguyên và các dự án phát triển kinh tế xã hội khác.
Bên cạnh đó, sinh viên Khoa môi trường cũng có đầy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên quan tại các viện và trung tâm NCKH thuộc các bộ, ngành khác như các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ hoặc trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông – lâm nghiệp ở các cấp xã, phường, trang trại, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên đất, nước.
PGS.TS cho biết năm 2009, khoa tuyển bao nhiêu chỉ tiêu và điểm chuẩn vào khoa năm 2008?
Năm nay, Khoa tuyển 170 chỉ tiêu vào 3 ngành Khoa học môi trường (Khối A, B), Công nghệ môi trường (Khối A) và Khoa học đất (Khối A, B). Điểm chuẩn năm 2008, ngành Khoa học Môi trường, khối A: 18 điểm; Khối B là 26 điểm. Ngành Công nghệ Môi trường khối A: 18 điểm. Ngành Khoa học Đất, khối A: 18 điểm, Khối B: 22 điểm.
Thí sinh cũng cần chú ý rằng, năm nay điểm trúng tuyển vào Trường ĐHKHTN sẽ xét theotheo ngành, kết hợp với điểm trúng tuyển vào trường theo khối thi. Nếu thí sinh đủ điểm vào trường theo khối thi nhưng không đủ điểm vào ngành đã đăng ký dự thi sẽ được chuyển vào ngành khác cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu. Để biết thêm thông tin, có thể truy cập vào website của Trường ĐHKHTN www.hus.edu.vn, mục tuyển sinh và đào tạo.
 Xin cảm ơn PGS.TS!
 Hồng Hạnh (thực hiện)
Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)