Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đất xây trường của Hà Nội: Bao giờ đủ?

Tạp Chí Giáo Dục

Hà Nội mở rộng có diện tích gấp 3,6 lần so với trước song quỹ đất dành cho giáo dục vẫn rất thiếu, đặc biệt trong khu vực nội thành. Tại sao?
Chỗ nào cũng quá tải
Kiểm tra mới đây của UBND TP. Hà Nội tại 7 dự án phát triển khu đô thị lớn ở nhiều quận, huyện cho thấy, hầu hết các chủ đầu tư chỉ chú trọng xây dựng nhà ở để kinh doanh và cố tình phớt lờ việc xây dựng các công trình công cộng như phòng khám, nhà trẻ, trường học, bệnh viện… phục vụ các nhu cầu cơ bản của người dân sống trong khu vực.
Tại khu đô thị (KĐT) Sài Đồng, quận Long Biên mới xây được 1 trường tiểu học, còn 4 lô xây dựng trường học, nhà trẻ khác theo quy hoạch vẫn bỏ trống. KĐT Văn Quán – Yên Phúc cũng mới có 2 trường tiểu học và 1 nhà trẻ, còn 1 trường học và 1 nhà trẻ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. PGS-TS Vũ Thị Vinh – Phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết: “Trong 9 KĐT mới mà tôi khảo sát có đến 8 khu không có chợ, 7 khu không xây được một trường công lập nào và không đâu xây bệnh viện”.
Không chỉ ở các khu đô thị mới, một số phường trong khu vực trung tâm thành phố hiện vẫn chưa có trường tiểu học. Hầu như ở tất cả các buổi tiếp xúc cử tri, người dân phường Điện Biên (quận Ba Đình) đều kiến nghị được dành quỹ đất xây dựng trường tiểu học cho con em trong phường nhưng yêu cầu chính đáng này nhiều năm vẫn chưa được đáp ứng do chưa có đất quỹ trống hoặc có nhưng lại được cho là không phù hợp!
Ngoài ra, ở các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân… dù số trường học theo quy định có vẻ đủ nhưng do mức tăng dân số rất mạnh trong vài năm trở lại đây nên các trường cũng bắt đầu quá tải.
Từ 2010-2020: xây dựng gần 670 trường
Để xóa những vùng trắng trường học của Hà Nội, theo Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới cần có ít nhất từ 1-2 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, toàn thành phố xây dựng thêm 403 trường mầm non, 167 trường tiểu học, 75 trường THCS, 24 trường THPT trong giai đoạn 2010-2020.
Từ khảo sát thực trạng tại 29 quận, huyện của thành phố, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là tìm quỹ đất. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, nếu xác định diện tích bình quân 15m2/học sinh là rất khó khả thi bởi có sự khác biệt giữa quỹ đất của khu vực nội và ngoại thành. Theo từng khu vực cụ thể với những đặc điểm riêng, phải có các giải pháp rất khác nhau. Những địa điểm còn quỹ đất rộng có thể xây dựng trường với tỷ lệ diện tích trên đầu học sinh cao hơn so với quy chuẩn, nhưng những nơi khan hiếm quỹ đất thì phải có giải pháp phù hợp và cơ chế riêng.
Ở khu vực trung tâm thành phố, đại diện Sở Xây dựng khuyến nghị, thay vì chỉ cho phép xây trường cao 4 tầng, thành phố nên chủ động đề xuất xây trường cao 6 đến 7 tầng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc dự định nâng tầng các trường trong khu vực nội thành là không khả thi.
Đưa ĐH ra ngoại thành
Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết, đến năm 2020, thành phố cần thêm hơn 17 triệu m2 đất để xây trường học, tương đương với số trường xây thêm là 728 trường. Tiếp đó, đến năm 2030, số trường xây mới sẽ là 1.060 trường. Cũng theo sở này, khu vực nội thành hiện nay quá thiếu đất để xây dựng trường, trong khi nhu cầu học của trẻ em ngày càng tăng. Thống kê mới nhất cho biết, toàn thành phố hiện có 2.455 cơ sở giáo dục và 385 trung tâm học tập cộng đồng với gần 1,4 triệu học sinh và 97.500 cán bộ, giáo viên. Sau khi mở rộng, quy hoạch của Hà Nội rộng gấp 3,6 lần trước đây và dân số tăng gấp 2 lần khiến nhiều trường học quá tải. Trên phạm vi toàn thành phố, diện tích xây trường mầm non còn thiếu 2,3 triệu m2; tiểu học thiếu 1,9 triệu m2; THCS 1,1 triệu m2 và THPT là 1,2 triệu m2.
Vấn đề đất xây trường của Hà Nội mới đây đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt thời hạn cho UBND TP. Hà Nội phải đưa danh sách cơ sở y tế, giáo dục đào tạo cần di dời ra ngoại thành. Riêng về giáo dục, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1/3 số trường đại học, cao đẳng và tới 40% tổng số sinh viên toàn quốc theo học. Riêng 4 quận nội thành có 26 cơ sở. Hệ thống các trường học nói trên cũng đang gây áp lực quá tải tới hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, chỉ tiêu bình quân diện tích đất/sinh viên và bình quân diện tích đất/cơ sở trường rất thấp so với tiêu chuẩn quốc gia.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)