Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dấu ấn chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Đại Liên (WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc với những kết quả quan trọng, dấu ấn nổi bật.

Dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại WEF Đại Liên

Với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới", WEF Đại Liên đánh dấu lần thứ ba liên tiếp Thủ tướng Chính phủ tham dự một hội nghị thường niên của WEF. Điều này thể hiện sự tín nhiệm cao cũng như vai trò, vị thế ngày càng lên của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hội nghị thu hút sự tham gia của 1.700 đại biểu, là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.

Nước chủ nhà Trung Quốc, cũng như Ban Tổ chức hội nghị đã thể hiện sự trân trọng, đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Việt Nam.

Dấu ấn chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mang đến thành phố cảng Đại Liên nhiều thông điệp quan trọng. Ảnh: Nhật Bắc

Tại diễn đàn, Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam đã mang đến thành phố cảng Đại Liên nhiều thông điệp quan trọng. Đoàn Việt Nam đã để lại những dấu ấn nổi bật, với điểm nhấn là bài phát biểu đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tại phiên khai mạc toàn thể, trước khoảng 1.700 khách mời từ 80 quốc gia.

Thủ tướng đã trao đổi những nhận định sâu sắc về thế giới hiện nay và tương lai, đề xuất phải cùng nhau xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, cần có cách tiếp cận, tư duy hợp tác toàn cầu mới mẻ. Thủ tướng nhấn mạnh, cần thúc đẩy khoa học và đổi mới sáng tạo, không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vốn mang tính toàn cầu, để tạo ra những động lực tăng trưởng mới.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị thực hiện "3 cùng": "Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển", với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", vì một thế giới tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, phát triển hài hoà, bền vững, cùng nhau hướng đến "Những chân trời tăng trưởng mới"…

Thủ tướng cũng đã có những trao đổi cởi mở, chân thành, sâu sắc với các đối tác, doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm cao của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Những chia sẻ của Thủ tướng được các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện qua sự hứng khởi, quan tâm, mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong những ngành lĩnh vực mới.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đã ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực.

Dấu ấn chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nhật Bắc.

Cụ thể hóa định hướng chiến lược của lãnh đạo cấp cao

Chuyến công tác và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển tốt đẹp.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng đã có chương trình hoạt động song phương hết sức phong phú, bao gồm hội kiến, hội đàm các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc; tham dự, phát biểu tại "Hội nghị hợp tác Việt Nam – Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc"; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc…

Các hoạt động của đoàn đã thành công tốt đẹp, đạt được các yêu cầu, mục đích đề ra. Kết quả và ý nghĩa của các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thể hiện rõ nét trên 4 phương diện:

Thứ nhất, duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã khẳng định sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước mỗi bên đối với quan hệ hai nước, cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của quan hệ song phương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.

Dấu ấn chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc ảnh 3

Thủ tướng tiếp lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Ảnh: Nhật Bắc.

Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh và cơ chế hóa hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, triển khai đồng bộ, toàn diện trên các kênh Đảng, Chính phủ/Quốc vụ viện, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính hiệp toàn quốc và trong các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao – an ninh – quốc phòng.

Thứ hai, trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hợp tác thời gian qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hết sức toàn diện, nội dung phong phú, thực chất thời gian tới.

Hai bên nhất trí tăng cường kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" của Việt Nam với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại khu vực phía Bắc của Việt Nam.

Thứ ba, không ngừng củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí coi đây là một "công trình hệ thống" để dày công thúc đẩy, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục được kế thừa, trao truyền và phát huy.

Thứ tư, xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Hai bên nhất trí phối hợp tốt trong công tác quản lý biên giới trên đất liền, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc trong năm nay.

Điểm nhấn quan trọng của chuyến công tác là thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc và WEF, đặc biệt là phát huy vai trò của các doanh nghiệp hai nước trong thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công rất tốt đẹp, là bước triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế…

Theo Luân Dũng/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)