Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Dấu ấn của một ngôi trường trên quê hương Quảng Ngãi

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đông đảo giáo viên, học sinh cũ về nơi trường cũ Thời gian cứ trôi qua, có những điều tưởng chừng như đã mất song nó lại sống mãi trong tâm khảm của mỗi con người để rồi có lúc bừng lên, tỏa sáng. Tôi đã cảm nhận được điều đó trên gương mặt của hàng trăm thầy cô giáo và cựu học sinh của Trường PTTH vừa học, vừa làm Nghĩa Minh nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường.

Năm học 1977 – 1978 thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, Trường PTTH Nguyễn Công Phương – Nghĩa Minh đã thành lập một phân hiệu vừa học, vừa làm đặt tại thôn Tân Phú, xã Hành Tín, huyện Nghĩa Hành. Lúc đầu có khoảng 100 học sinh lớp 10 tình nguyện lên khai thác một vùng đất khá màu mỡ  của xã Hành Tín để vừa có lương thực ăn, vừa có điều kiện học.

Từ cơ sở đó, tháng 9 năm 1978, UBND tỉnh Nghĩa Bình ra quyết định thành lập Trường PTTH vừa học, vừa làm Nghĩa Minh. Trường PTTH vừa học, vừa làm Nghĩa Minh ra đời đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng trăm học sinh nghèo, học sinh con diện chính sách của các huyện phía Bắc tỉnh Nghĩa Bình (Nam Nghĩa Bình có Trường PTTH vừa học, vừa làm Hoài Ân).

Từ mái trường này, đã có biết bao cậu học trò ngày xưa quanh năm với tấm áo vá vai nay đã trở thành những nhà giáo, nhà quản lí, những kĩ sư, bác sĩ, sĩ quan quân đội và người lao động sản xuất giỏi. Họ đã và đang chung tay góp sức dựng xây quê hương trên khắp các vùng miền của Tổ Quốc. Quả thực ý chí lao động của con người đã tạo nên những điều kỳ diệu!

Trường PTTH vừa học, vừa làm Nghĩa Minh chỉ tồn tại trong 4 niên khóa từ năm học 1977-1978 đến năm học 1980 – 1981 nhưng những giá trị mà nó đem lại cho lịch sử phát triển của ngành giáo dục – đào tạo Quảng Ngãi là vô giá. Bởi lẽ nó đã ghi lại dấu ấn của một thời mà toàn ngành giáo dục cùng chung tay góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh trên những mảnh đất chưa lành vì bom đạn. Mặt khác nó cũng tạo nên một thế hệ học sinh có phẩm chất cao đẹp, giàu bản lĩnh, trọn nghĩa, vẹn tình xứng đáng để cho thế hệ sau noi gương và học tập.

30 năm đã qua, với bao biến đổi thăng trầm, bây giờ họ lại tề tựu về đây “chung tay, góp sức” làm lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường trên mảnh đất không còn ngôi trường nữa. Họ dựng tạm một dãy lều bạt và trang trí khán đài dã chiến trên nền đất năm xưa đã thấm bao mồ hôi và công sức của thầy và trò. Điều rất thú vị, bất ngờ và đầy xúc động là có rất nhiều đại biểu đến tham dự, trong đó có không ít thầy cô giáo và cựu học sinh của trường trở về từ Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, TP.HCM … Và có rất nhiều thầy cô dù tuổi cao sức yếu vẫn cố nhớ lại những đứa học trò của một thời kham khổ năm xưa… Tay trong tay với những mái đầu đốm bạc và những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài, da diết khôn nguôi.

TRƯƠNG QUANG DŨNG

 

Bình luận (0)