Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dấu ấn đẹp của Tình sử Thăng Long

Tạp Chí Giáo Dục

Vở nhạc kịch sử Việt Tình sử Thăng Long (phóng tác từ kịch bản Công chúa Ngọc Hân của Lưu Quang Vũ), được xem là “bom tấn” mùa kịch tết Giáp Thìn, đã ra mắt 2 suất mùng Sáu và mùng Bảy, để lại những cảm xúc trân trọng lẫn tiếc nuối cho người yêu sân khấu lẫn lịch sử.

Nỗ lực đáng trân trọng

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hồng Vân vẫn luôn tâm đắc với đề tài lịch sử dân tộc, nhưng kể từ vở Nỏ thần (kịch bản: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Đức Thịnh) ra mắt năm 2009, đến nay, chị mới trở lại làm kịch lịch sử. Chị thẳng thắn thừa nhận, nếu không có sự chung tay của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Tử Long thì chị không dám thực hiện. NSƯT Kim Tử Long cũng đã quá thấm thía cái khó khi tiếp cận đề tài này. Tiêu biểu là vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn (kịch bản: Xuân Phong) do chính anh đạo diễn, đầu tư nhiều tiền bạc và tâm sức (năm 2018) cũng chỉ diễn được 2 suất.

Tình sử Thăng Long thể hiện góc nhìn sắc sảo về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn

Tình sử Thăng Long thể hiện góc nhìn sắc sảo về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn

Lần này, cả hai bắt tay thực hiện Tình sử Thăng Long từ sự đồng điệu trong tình yêu lịch sử và tâm đắc với kịch bản Công chúa Ngọc Hân của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Khác nhiều tác phẩm cùng đề tài, Công chúa Ngọc Hân không chú trọng ca ngợi chiến tích của người anh hùng áo vải cờ đào, cũng không thi vị hóa mối nhân duyên giữa đôi trai tài gái sắc – Nguyễn Huệ – Ngọc Hân.

Với góc nhìn về thời cuộc đầy sắc sảo, Nguyễn Huệ không được đặt dưới ánh hào quang mà phải xoay trở giữa bối cảnh đầy rối ren: những ngày đầu tiến quân ra Bắc, vừa phải đánh dẹp quân Trịnh, vừa lấy lòng triều đình nhà Lê, vừa xoa dịu giới sĩ phu Bắc Hà, vừa an định lòng dân, xử lý mầm mống rối loạn trong quân mình. Và việc cầu thân công chúa Ngọc Hân của nhà Lê là một nước đi trên bàn cờ chính trị của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Công chúa Ngọc Hân cũng không phải nữ lưu tầm thường mà là bậc tài nữ nức tiếng kinh thành. Xuyên suốt mạch kịch là những cuộc đối thoại, chất vấn lẫn nhau giữa người hùng Tây Sơn và công chúa nhà Lê về văn bia và trường võ, về cây đàn và thanh gươm, về giới trí thức và quân sự, về lý tưởng thống nhất, quốc thái dân an…

NSND Hồng Vân cho rằng, câu chuyện rất hay và mới mẻ về cuộc tình gắn với vận mệnh đất nước giữa hoàng đế Quang Trung và công chúa Ngọc Hân cần được đưa đến nhiều khán giả, nhất là những người trẻ. Đặc biệt yêu thích sử ca, NSND Hồng Vân mong muốn thực hiện Tình sử Thăng Long, phóng tác từ Công chúa Ngọc Hân, với hình thức nhạc kịch. Để tăng tính hấp dẫn, dễ tiếp cận khán giả trẻ và phù hợp biểu diễn dịp tết, Tình sử Thăng Long được dàn dựng theo hướng hành động, mang tính giải trí.

Có thể xem đây là dự án “chuyển giao thế hệ” khi 3 phụ huynh là Hồng Vân, Kim Tử Long và Hoàng Sơn tham gia các vai diễn phù hợp trong vở và giữ vai trò cố vấn nghệ thuật, còn lại giao cho các con phụ trách nhiều khâu quan trọng, gồm: đạo diễn Hoàng Hải (con trai nghệ sĩ Hoàng Sơn), đạo diễn hình ảnh Khôi Nguyên (con trai NSND Hồng Vân), điều hành sản xuất Hoàng Kim Phụng (con gái NSƯT Kim Tử Long).

Tác phẩm cũng là bệ đỡ cho nhiều lực lượng sáng tạo trẻ khác (phụ trách âm nhạc, vũ đạo, võ thuật, phục trang…) và đội ngũ diễn viên trẻ với những Hoàng Yến, Xuân Nghị, Minh Luân, Kha Uy, Hoàng Khôi, Trung Anh…

Cần tiếp tục đầu tư sâu hơn

Đến xem Tình sử Thăng Long, có thể nhận ra tâm ý của đội ngũ chế tác khi nỗ lực mang một tác phẩm hay đến với công chúng. Vở diễn gây ấn tượng nhờ sự đầu tư nghiêm túc cho phần phục trang, vừa bám sát lịch sử, vừa tạo mỹ cảm sân khấu, cùng những đại cảnh hành động khá hoành tráng. 

Bắt đầu từ cuộc hôn nhân chính trị, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân đã trải qua nhiều thử thách để tìm được sự đồng điệu cùng nhau.

Bắt đầu từ cuộc hôn nhân chính trị, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân đã trải qua nhiều thử thách để tìm được sự đồng điệu cùng nhau.

Tuy nhiên, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành phần trên sân khấu, sự ăn ý của các diễn viên dường như vẫn chưa đạt. “Tôi có cảm giác, nhiều diễn viên chưa thật thuộc tuồng nên ngắc ngứ nhiều, trong khi kịch bản này tinh hoa đặt ở phần thoại. Thoại không tốt sẽ ảnh hưởng đến diễn xuất của diễn viên và chất lượng chung của vở diễn” – anh Tuấn Huỳnh (TP Thủ Đức) nhận xét.

Là một khán giả yêu thích kịch Lưu Quang Vũ, chị Tâm Chiến (quận 1) cho biết, đã rất mong chờ những sáng tạo mới từ Tình sử Thăng Long, nhưng lại không được như chị kỳ vọng. “Kịch bản này vốn ít kịch tính mà đậm chất thơ và giàu tính tự sự; hấp dẫn nhất là những cuộc đối thoại thể hiện quan điểm, tư tưởng của các nhân vật về thời cuộc. Theo tôi, vở phù hợp với không gian sân khấu hộp truyền thống hơn là dàn dựng hoành tráng trên sân khấu lớn” – chị Tâm Chiến nói.

Bên cạnh đó, dù được cải biên, lược bớt một số chi tiết về âm mưu chính trị, bổ sung tình huống xung đột lẫn hài hước nhằm tăng kịch tính và tính giải trí, tác phẩm vẫn đậm chất chính luận. Hình thức nhạc kịch, vì thế, cũng không thật phù hợp. Phần âm nhạc trong vở cũng khá mỏng và lạc điệu với mạch kịch.

Tình sử Thăng Long rõ ràng đã có chất liệu rất tốt cho một tác phẩm tầm vóc. Thiết nghĩ, nếu vở được dàn dựng sắc gọn lại ở một sân khấu quy mô vừa phải, các diễn viên có thêm thời gian để “thấm” nhân vật, tập luyện nhuần nhuyễn hơn thì đây hoàn toàn là tác phẩm rất đáng kỳ vọng. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Bình luận (0)