Cùng với sự phát triển của TPHCM, ngành giao thông vận tải đã có những đóng góp tích cực, nổi bật là việc xây dựng mới hệ thống cầu đường để giảm ùn tắc giao thông.
Đô thị TPHCM ngày nay đã có nhiều chuyển biến trong cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhiều công trình mới được xây dựng giúp diện mạo TPHCM ngày càng khang trang hiện đại. Các cửa ngõ ra vào thành phố được mở rộng và hàng loạt tuyến đường mới được kết nối đồng bộ với hệ thống đường cũ đã đưa vào sử dụng. Đơn cử, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Phạm Văn Đồng và hàng loạt cầu vượt bằng thép… Từ đó, đã tạo nên mạng lưới đường giao thông đô thị nội đô, giảm bớt các nút giao thông đồng mức, giúp phương tiện lưu thông thuận tiện.
Hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa nằm dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dài khoảng 10km, đi qua các quận Tân Bình, 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh được xem là một trong những trục đường đẹp nhất của thành phố. Quanh khu vực này TP còn đầu tư xây mới cầu Lê Văn Sỹ, cầu Bông, cầu Kiệu, hầm chui dọc hai tuyến đường ven dòng kênh này. Những cây cầu mới ngoài việc nâng cao tĩnh không dạ cầu còn đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện để cho các phương tiện lưu thông trên hai đường Trường Sa và Hoàng Sa được thông suốt.
Hạ tầng TPHCM sau 40 năm phát triển. Ảnh: MẠNH LINH
Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sắp thông xe suốt tuyến, không chỉ mở thêm một tuyến đường quan trọng mà còn giải quyết được nhu cầu giao thông ở khu vực phía Đông TP. Đến thời điểm này, tuyến đường đã đưa vào khai thác đoạn TPHCM – Long Thành thông suốt. Đây là trục đường cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của TP và toàn vùng, không chỉ giúp giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực các quận 2, 9, Thủ Đức mà còn kết nối TPHCM thông suốt, thuận tiện với các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam bộ.
Cuối năm 2014, TPHCM đã đưa vào sử dụng trên chục công trình cầu, đường. Cụ thể, cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh); cầu vượt tại nút giao thông quốc lộ 1 – hương lộ 2 (quận Bình Tân); đường Kênh Tân Hóa – Lò Gốm, đường Lũy Bán Bích (quận 6, 11, Tân Phú); cầu Ông Buông 2 (quận 6), cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Hậu Giang, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn từ An Phú đến nút giao Vành đai 2…
Với việc hàng loạt công trình đưa vào sử dụng đã giúp giảm tải về hạ tầng giao thông, nhất là ở các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP. Trong nội thành hạ tầng ngày càng thông thoáng và hiện đại nhờ xây mới các cầu và nâng cấp các tuyến đường, vỉa hè được lát đá hoa cương. Riêng với khu vực trung tâm, vốn là bộ mặt của thành phố, nhiều dự án trọng điểm như dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ, ga Nhà hát TP thuộc tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên…, các chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bất kể ngày đêm nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng. Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TPHCM – chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án đường Nguyễn Huệ được chia làm 2 phân đoạn thi công: Phân đoạn 1 (từ Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi) dự kiến sẽ thi công xong trước ngày 10-2-2015 (tức 22 tháng Chạp), hiện nay đoạn Lê Thánh Tôn trước trụ sở UBND TPHCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng; phân đoạn 2 (từ Lê Lợi đến Công viên Bạch Đằng) đang khẩn trương hoàn chỉnh mặt đường cũng như vỉa hè, dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trước ngày 20-4-2015. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2015, phần vỉa hè và làn đường hai bên của tuyến đường Nguyễn Huệ sẽ hoàn thành nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đón tết. “Sau khi dự án hoàn thành, đây là một trong những tuyến đường đẹp nhất TPHCM, đây cũng là một trong những tuyến đường đầu tiên sẽ trở thành quảng trường” – ông Thắng nói.
Năm 2015 xây thêm 10 cây cầu, làm mới 34,5km đường Ngày 2-2, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức tổng kết hoạt động năm 2014 và xây dựng phương hướng năm 2015. Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết trong năm 2015 sẽ phấn đấu xây dựng thêm 10 cây cầu, 34,5km đường, kéo giảm ít nhất 5% số vụ tai nạn giao thông, số người bị thương và bị chết vì tai nạn giao thông. Trong đó, ưu tiên kêu gọi đầu tư hoàn thiện đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái, đoạn từ ngã tư An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, cầu đường Bình Tiên, xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương, xây dựng đường nối đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, đường nối từ cầu vượt nút giao thông Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng. NGUYỄN KHOA |
Quốc Hùng – Đình Lý
(SGGP)
Bình luận (0)