Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dấu ấn mới của người nghệ sĩ tài hoa

Tạp Chí Giáo Dục

NSƯT Thành Lộc không hổ danh là phù thủy sân khấu, khi ở vai trò nào anh cũng tạo hiệu quả nghệ thuật cao

Từ khi Sân khấu Thiên Đăng (quận 1, TP HCM) ra đời đến nay, NSƯT Thành Lộc đã dàn dựng 2 vở: "Giáng Hương – Sân khấu về khuya" và "Lộ hàng".

20 năm, kịch bản vẫn còn nóng

Tối 4-7, tại Sân khấu Thiên Đăng, NSƯT Thành Lộc đã giới thiệu đến công chúng vở diễn thứ 3 với 2 vai trò: diễn viên và đạo diễn, đó là vở "Những con ma nhà hát" của tác giả Lê Hoàng. Khán giả đã hưởng ứng, tương tác thật sôi nổi với câu chuyện kịch dù đã được sáng tác cách đây 20 năm nhưng vẫn còn nóng về tính thời sự.

Đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM – cho biết: "NSƯT Thành Lộc đã làm mới những lời thoại mang tính đương đại, cập nhật được những vấn đề thời sự để đưa vào kịch một cách hợp lý, tạo tiếng cười châm biếm đầy giá trị. Những lời thoại lên án chua cay màn lừa lọc sau ánh hào quang nghệ thuật lại mang giá trị phê phán sâu sắc".

Người xem thích thú vì NSƯT Thành Lộc đã biến vở kịch thành một không gian mới lạ, hấp dẫn, có sự tương tác sinh động với khán giả. Các nhân vật được thăng hoa và trên hết là dấu ấn tuyệt vời của NSƯT Thành Lộc – tràn đầy năng lượng khi hoàn thành xuất sắc vai trò đạo diễn, đồng thời đảm nhận vai chính là ông bầu và MC hoạt náo đầy duyên dáng trong vở diễn.

Khán phòng thành sàn diễn

Ở vai trò đạo diễn, NSƯT Thành Lộc đã giúp các diễn viên chính như Hữu Châu, Lê Khánh, Tuấn Khải, Trương Hạ, Trang Tuyền… tỏa sáng, có đất thăng hoa cảm xúc. Nhân vật nữ nghệ sĩ của NSƯT Hữu Châu gây bất ngờ thú vị, bởi từ số phận của nhân vật này, khán giả có cái nhìn sâu hơn về thế giới màn nhung – nơi những tưởng chứa đựng biết bao điều tốt đẹp nhưng rồi nó chỉ là một chốn để người ta tìm lợi nhuận, danh vọng, vứt bỏ lẽ sống mà khi dấn thân vào nghề họ đều chung lời nguyền "giữ cho sạch thánh đường nghệ thuật" của mình.

Từ chất liệu của cuộc sống, từ những cái nhìn hết sức tinh tế của người nghệ sĩ luôn có chính kiến rõ ràng, NSƯT Thành Lộc đã tạo thêm nét son cho sự nghiệp dàn dựng. "Những con ma nhà hát" trên Sân khấu Thiên Đăng có âm nhạc và nghệ thuật biên đạo múa sang trọng, làm rung động khán giả qua mỗi lớp diễn.

Một cảnh trong vở “Những con ma nhà hát”

Một cảnh trong vở “Những con ma nhà hát”. Ảnh: Thanh Hiệp

Nếu khán giả thích xem kịch kinh dị, tò mò trước những pha giật bắn người khi có những con ma xuất hiện thì sẽ không tìm thấy ở vở kịch này những phút thót tim. Nhưng chắc chắn một điều là khán giả sẽ thích thú vì chứng kiến những tình huống dở khóc dở cười mà vở kịch mang đến khi bắt gặp những "con ma" hiển hiện ngay trong suy nghĩ của chính mình về mặt trái của môi trường nghệ thuật.

Vở kịch "Những con ma nhà hát" thoát khỏi những kiểu chọc cười quen thuộc mà đưa người xem vào các góc khuất của hậu trường, cho khán giả thấy công việc âm thầm đáng quý của những người làm nghệ thuật nghiêm túc.

Thú vị hơn là đạo diễn – NSƯT Thành Lộc đã biến cả khán phòng thành sàn diễn, sự tương tác đáng yêu của các nhân vật đã mang lại những điều thú vị mà mỗi suất diễn sẽ là một phiên bản mới.

Xem vở kịch với thông điệp rất rõ về thân phận người nghệ sĩ muốn giữ gìn danh tiếng hay muốn bị xem là những "con ma". Đặc trưng của phong cách kịch Thành Lộc là anh trình bày những quan điểm mang tính nhân văn đồng thời sẽ khóc cười cùng các số phận độc đáo, để khán giả suy ngẫm và tìm ra câu kết luận. 

Nỗi lòng của NSƯT Thành Lộc, của các diễn viên và của tác giả nhằm hiển thị một khao khát là dùng sự phê phán như ngọn đèn soi rọi những góc khuất của sân khấu. Trả lại cho thánh đường nghệ thuật một không gian sạch và đẹp.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

 

Bình luận (0)