Mới 16 tuổi nhưng em Võ Trần Lan Nhi (Nhạc viện TP.HCM) không chỉ hát giỏi đờn ca tài tử mà còn thuần thục đàn kìm. Lan Nhi xác định đây là con đường chuyên nghiệp và em sẽ theo đuổi đến cùng để không chỉ thỏa sức với đam mê mà còn giữ gìn bản sắc dân tộc.
Năng khiếu từ bé
Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Niềm vui lớn xen lẫn trong bao trăn trở của những người làm quản lý, nhà nghiên cứu, người trực tiếp giảng dạy loại hình nghệ thuật này khi quá ít những người trẻ “mặn mà”. Nếu có theo học thì cũng không ai dám chắc người học đờn ca tài tử sẽ đi đâu về đâu, con đường tương lai như thế nào. Ấy vậy mà em Lan Nhi vẫn quyết định theo đuổi vì đam mê và mong muốn tiếp sức để bảo tồn loại hình âm nhạc truyền thống.
Chị Trần Thị Thanh Nhàn (mẹ Lan Nhi) cho biết, trong dòng họ 3 đời không có ai theo nghệ thuật nhưng mới 4-5 tuổi, Lan Nhi đã bộc lộ năng khiếu này. “Lúc nhỏ, bé chỉ biết hát nhạc thiếu nhi. Thấy cháu hát được và rất yêu thích nên gia đình cho bé thường xuyên đến Trung tâm Văn hóa Q.5 sinh hoạt, giao lưu. Nhờ sự dẫn dắt của những người đi trước, dần dần, Lan Nhi đã hát được đờn ca tài tử”, chị Hạnh chia sẻ.
Cứ tưởng Lan Nhi học cho vui nhưng không ngờ em tiếp thu rất nhanh. Qua sự chỉ dạy từ các nghệ nhân đờn ca tài tử, Lan Nhi nhanh chóng hát được đờn ca tài tử với chất giọng truyền cảm, ấm áp.
Từ bao đời nay, đàn kìm được xem là “vua” của các loại nhạc cụ trong loại hình đờn ca tài tử Nam bộ. Người đảm nhận loại đàn này đa phần là nam và phải “cứng tay” mới có thể dẫn dắt và giúp cho dàn đờn của đờn ca tài tử lên tới đỉnh cao. Vậy mà Lan Nhi đã làm được điều đó. |
Tài năng của Lan Nhi thật sự nổi bật và được nhiều người biết đến khi em trở thành người được “chọn mặt gửi vàng” trong Liên hoan giọng ca tài tử thiếu nhi TP.HCM “Búp sen vàng” năm 2016. Không làm mọi người thất vọng, Lan Nhi giành được huy chương vàng trong liên hoan này. Giải thưởng đã khích lệ thêm niềm đam mê, sự tự tin và quyết tâm đeo đuổi đến cùng loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử một cách chuyên nghiệp của Lan Nhi. Sau khi giành chiếc huy chương vàng đầu tiên trong đời, Lan Nhi bắt đầu được Trung tâm Văn hóa Q.5 “chăm sóc” đặc biệt và thường xuyên đưa đi tham gia các cuộc thi, liên hoan về đờn ca tài tử lớn nhỏ trong nước. Năm 2017, nữ sinh này được cử tham gia Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II tổ chức tại tỉnh Bình Dương và tiếp tục giành về huy chương vàng. Hầu hết những liên hoan cuộc thi về đến đờn ca tài tử có hạn mục dành cho người trẻ đều có sự góp mặt Lan Nhi và luôn giành về giải cao.
Ở cái tuổi học sinh, Lan Nhi trở nên nổi bật và được nhiều nghệ nhân đờn ca tài tử chú ý bởi tài năng thật sự của mình.
Chơi cả đàn kìm
Điều khiến nhiều người ngưỡng mộ Lan Nhi vì em không chỉ giỏi đờn ca tài tử mà còn biết đàn kìm. Trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 1 năm 2022 tổ chức tại TP.HCM mới đây có không gian đờn ca tài tử dành cho du khách đến vui chơi, giải trí. Trong số những người phụ trách không gian này, em Lan Nhi đã tạo ấn tượng khi đảm nhận vai trò chính trong dàn đờn với cây đàn kìm. Nhìn hình ảnh cô nữ sinh 16 tuổi, mặc áo dài ngồi đàn kìm dẫn dắt cả dàn nhạc với những ngón đàn uyển chuyển ai cũng xuýt xoa khen ngợi.
Từ bao đời nay, đàn kìm được xem là “vua” của các loại nhạc cụ trong loại hình đờn ca tài tử Nam bộ. Người đảm nhận loại đàn này đa phần là nam và phải “cứng tay” mới có thể dẫn dắt và giúp cho dàn đờn của đờn ca tài tử lên tới đỉnh cao. Vậy mà Lan Nhi đã làm được điều đó.
Theo Lan Nhi, người dẫn dắt em đên với đàn kìm là NSƯT Huỳnh Khải. Để thuần thục và dẫn dắt dàn nhạc đờn ca tài tử như hôm nay em phải mất thời gian dài mới có thể đờn được. “Đờn kìm là loại nhạc cụ đòi hỏi người đờn phải nhấn nhá, có khi chỉ một bậc phải ra nhiều âm sắc khác nhau. Nhất là dây “tố lan” của đàn kìm hiếm người nào có thể đờn cho hay vì ngón nhấn phải đạt đến điêu luyện. Do đó, để đàn kìm được thì dễ nhưng để đàn hay phải mất rất nhiều thời gian luyện tập”, Lan Nhi cho biết.
Trong đờn ca tài tử, nếu người ca và người đờn mà không rành nhịp, vững nhịp thì không thể nào thành nghề được. Nhất là với những người chơi đàn kìm, yêu cầu này còn đòi hỏi gắt gao hơn. Người nào đã chơi được đàn kìm là phải vững nhịp. Vì từ xa xưa, cây đàn kìm luôn đứng ở vị trí đầu nhóm đảm nhiệm vai trò lĩnh xướng. Thiếu cây đàn gì thì còn cho qua nhưng tuyệt nhiên không thể thiếu đàn kìm trong dàn nhạc truyền thống. Đàn kìm là cây đàn được người xưa ví là “quân tử cầm”, đĩnh đạc mà khoan hòa, gợi nên sự rắn rỏi, mạnh mẽ.
Bằng sự nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề, tên tuổi của Lan Nhi ngày càng được giới đờn ca tài tử biết đến. Em được mời đi lưu diễn khắp mọi miền đất nước, từ Cần Thơ, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… Bên cạnh đó, em còn theo NSƯT Huỳnh Khải đi truyền cảm hứng về âm nhạc dân tộc cho các em học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn TP. “Nhiều người nói em theo con đường này sẽ không có tương lai. Nhưng em không nghĩ vậy. Em cứ theo đuổi đam mê mà em đã chọn. Nếu lỡ sau này em không còn có cơ hội được theo con đường này thì thì em cũng tự hào rằng mình biết loại hình này và đã từng sống, chết với nó”, Lan Nhi tâm sự.
Trải qua bao nhiêu năm lịch sử, đàn kìm vẫn là một phần không thể thiếu trong dàn nhạc đờn ca tài tử. Tiếng đàn kìm vẫn có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc truyền thống, vẫn được vang lên mọi múc mọi nơi trên miền sông nước Nam bộ mênh mông. Xã hội phát triển, đời sống đổi mới, nhiều dòng nhạc mới du nhập, rồi hình thành, lan rộng, kéo theo đó là sự mờ nhạt của dòng nhạc truyền thống, mờ nhạt tiếng đàn kìm ở nhiều nơi. Nhưng còn đó những con người của thế hệ trước đang ra sức đào tạo, nuôi dưỡng, chăm bón cho những mầm cây mới của âm nhạc truyền thống.
Hồ Trinh
Bình luận (0)