Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dấu ấn văn chương Pháp – Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, NXB Trẻ và Viện Pháp tại TP.HCM đã tổ chức buổi trò chuyện về văn chương Pháp – Việt. Các diễn giả cho rằng, muốn đưa văn chương Việt ra thế giới đặc biệt là Pháp và ngược lại thì tác phẩm phải được phiên dịch, có nội dung hấp dẫn và được độc giả nhiệt tình đón nhận.


PGS.TS Phạm Văn Quang (Trưởng bộ môn văn học – văn hóa, Khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ về văn chương Pháp – Việt

Giao lưu văn hóa Pháp – Việt qua văn chương

Tác giả Nuage Rose Hồng Vân là người Pháp gốc Việt. Chị bắt đầu công việc viết lách từ tác phẩm đầu tay bằng tiếng Pháp trên đất Pháp vào năm 2013 với tựa đề “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”. Tác phẩm lấy bối cảnh Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và bao cấp. Năm 2017, tác phẩm được phiên dịch thành tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam.

“Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã được Ban độc giả và NXB Hội Nhà văn ở Pháp trao giải thưởng “Được yêu thích nhất năm 2013”. Điều khiến tác giả vô cùng tự hào đó là sự đón nhận của độc giả châu Âu đối với tác phẩm của chị. Trong cuốn tự truyện mang màu sắc của một tiểu thuyết này, tác giả đã kể về những năm tháng rời Hà Nội theo gia đình đi sơ tán. Giữa những u ám, đói khát và sợ hãi mà chiến tranh gieo rắc là lấp lánh tình yêu. Chọn cách kể những câu chuyện nhỏ của những người bình thường trong lịch sử phi thường của đất nước bằng văn phong đầy nhạc tính, khi trầm ngâm suy tư, khi hồn nhiên hóm hỉnh, Nuage Rose Hồng Vân khiến bạn đọc ngạc nhiên, khóc cười và suy ngẫm về một thế giới tưởng chừng đã mất. “Có những độc giả nước ngoài đã khóc. Họ cầm tay tôi và nói rằng đọc những cuốn sách của người Việt thì mới hiểu vì sao vào những năm 1960, có những người Mỹ đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam”, tác giả Nuage Rose Hồng Vân chia sẻ.


Những tác phẩm văn chương Pháp được dịch thành tiếng Việt

Tác phẩm thứ hai của tác giả Nuage Rose Hồng Vân là “120 ngày mây thì thầm với gió” lấy bối cảnh chính là nước Pháp trong làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, được viết bằng tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam  năm 2021. Sách được kết cấu như một phóng sự nội tâm, ngày tháng, sự kiện, quan sát, cảm nhận đan dệt giữa Việt Nam và Pháp, giữa quá khứ và thực tại. Nếu như “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” tác giả thể hiện bằng tiếng Pháp trước khi được dịch ra tiếng Việt thì “120 ngày cô đơn được tác giả viết trực tiếp bằng tiếng Việt” trong sự nỗ lực “bảo tồn” những từ ngữ, câu chữ đẹp đẽ của Hà Nội cho đến những năm 80 mà ngày nay đã ít nhiều mai một. Bên cạnh đó là những từ lạ nhưng cũng đẹp và hàm súc không kém của chính chị sáng tạo ra và không thiếu  những cái “nháy mắt” của ngôn ngữ tiếng Pháp mang lại.

Tác phẩm của Nuage Rose Hồng Vân đã minh chứng cho dấu ấn văn chương Pháp – Việt. Tác giả đã cho người Pháp được tiếp cận tác phẩm viết về Việt Nam và cho người Việt tiếp cận với nước Pháp qua những câu chuyện đời thường, bình dị. Từ tác phẩm, độc giả Pháp – Việt đã tìm thấy được những nét giao thoa về văn hóa, con người cũng như văn chương hai nước để từ đó thêm thắt chặt tình hữu nghị.

Cách tiếp cận còn hạn chế

Là người có nhiều nghiên cứu về văn chương Pháp – Việt, PGS.TS Phạm Văn Quang (Trưởng bộ môn văn học – văn hóa, Khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho biết, từ 2003 ông nhận thấy đã có khá nhiều tác giả Việt viết văn bằng tiếng Pháp. Theo thống kê vào thời điểm đó, có khoảng 400 tác phẩm của 180 tác giả Việt viết văn bằng tiếng Pháp. Giai đoạn về sau, thể loại được tác giả sử dụng để viết văn bằng tiếng Pháp chủ yếu là tự thuật.

PGS.TS Quang cho rằng, để độc giả Pháp tiếp nhận tác phẩm văn chương Việt, người viết phải có chất liệu hay, chủ đề nổi bật. Văn chương bắt đầu từ tự thuật. Tự thuật giúp người ta suy tư về ai đó. Từ tác phẩm, độc giả đọc được gì? Đó không chỉ là cuộc đời của tác giả mà qua đó họ có thể trả lời những câu hỏi cho bản thân, chất vấn về cuộc đời của mình. Chúng ta có thể khai thác văn  chương với nhiều góc độ khác nhau. Nếu làm được, tác phẩm của tác giả Việt sẽ được đón nhận như mong muốn”.

PGS.TS Phạm Văn Quang (Trưởng bộ môn văn học – văn hóa, Khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, để độc giả Pháp tiếp nhận tác phẩm văn chương Việt, người viết phải có chất liệu hay, chủ đề nổi bật. Văn chương bắt đầu từ tự thuật. Tự thuật giúp người ta suy tư về ai đó. Từ tác phẩm, độc giả đọc được gì? Đó không chỉ là cuộc đời của tác giả mà qua đó họ có thể trả lời những câu hỏi cho bản thân, chất vấn về cuộc đời của mình. Chúng ta có thể khai thác văn chương với nhiều góc độ khác nhau. Nếu làm được, tác phẩm của tác giả Việt sẽ được đón nhận như mong muốn”.

Về tác phẩm văn chương Pháp viết bằng tiếng Việt cũng xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, cách tiếp cận tác phẩm bằng tiếng Pháp của độc giả Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do ít độc giả biết tiếng Pháp, không có nhà xuất bản tiếng Pháp, chủ đề của tác phẩm văn chương Pháp không phù hợp với độc giả Việt. “Để tiếp cận được văn chương Pháp đòi hỏi phải có hệ thống dịch thuật ra tiếng Việt. Nếu không có dịch thuật từ tiếng Việt ra tiếng Pháp, từ tiếng Pháp thành tiếng Việt cũng như những thứ tiếng khác, chúng ta sẽ không thể tạo nên kỳ tích cho văn chương Việt Nam”, PGS.TS Quang chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Nam (Tổng Biên tập, Phó Giám đốc NXB Trẻ) nhận định: “Việc giới thiệu tác phẩm Việt đến cộng đồng Pháp ngữ mà cụ thể là nước Pháp sẽ giúp độc giả có thêm góc nhìn, khía cạnh cũng như quan điểm của tác giả, nhất là tác giả người Pháp gốc Việt viết về Việt Nam”.

Hồ Trinh

Bình luận (0)