Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đậu bắp có thể là giải pháp giúp loại bỏ hạt vi nhựa khỏi nguồn nước

Tạp Chí Giáo Dục

Hợp chất chiết xuất từ ​​đậu bắp và một số cây thân mềm có thể loại bỏ vi nhựa nguy hiểm khỏi nguồn nước, các nhà khoa học cho biết.
Nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp mùa xuân của Hiệp hội Hóa học Mỹ hôm 22/3 đưa ra một giải pháp thay thế cho hóa chất tổng hợp có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe đang được sử dụng trong các nhà máy xử lý nước thải.
Chất nhờn từ đậu bắp có thể hút vi nhựa trong nước.
Chất nhờn từ đậu bắp có thể hút vi nhựa trong nước.
"Để tiếp tục loại bỏ vi nhựa hoặc bất kỳ loại vật liệu nào khác, chúng ta nên sử dụng các vật liệu tự nhiên không độc hại", nhà nghiên cứu chính Rajani Srinivasan thuộc Đại học Tarleton State chia sẻ.
Đậu bắp được sử dụng như một chất làm đặc trong nhiều món ăn, chẳng hạn như Gumbo, một món hầm từ Louisiana. Nó cũng là món ăn chính ở khu vực Nam Á với tên gọi là bhindi.
Nghiên cứu trước đây của Srinivasan đã xem xét cách thức chất nhờn từ đậu bắp và một số loại thực vật khác có thể loại bỏ các chất ô nhiễm từ vải sợi khỏi nước và thậm chí cả vi sinh vật và cô ấy muốn xem liệu điều đó có áp dụng tương tự cho vi nhựa hay không.
Những hạt vi nhựa – mảnh nhựa nhỏ hơn hoặc bằng 5 mm – đã được chứng minh là có thể gây hại cho cá theo một số cách, từ phá vỡ hệ thống sinh sản của chúng đến sự phát triển còi cọc và gây tổn thương gan.
Theo ước tính, khoảng 8 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất từ những năm 1950, nhưng chưa đến 10% trong số đó được tái chế. Phần còn lại cuối cùng bị phá vỡ thành vi nhựa và ngày nay được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, từ đại dương, đường thủy đến không khí và đất, cũng như thực phẩm của chúng ta.
Vi nhựa khi đi vào cơ thể người có thể có những ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều người lo ngại rằng chúng làm tăng nguy cơ ung thư và đột biến ADN, mặc dù vậy vẫn cần thêm các nghiên cứu để xác minh.
Quy trình xử lý nước thải truyền thống lọc vi nhựa trong hai bước. Đầu tiên, loại bỏ phần nổi khỏi mặt nước. Tuy nhiên, những chất này chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần còn lại được lọc bằng cách sử dụng chất tạo bông, hoặc hóa chất dính để hút vi nhựa, tạo thành các cục lớn hơn. Những khối này chìm xuống đáy và sau đó lấy ra khỏi nước.
Vấn đề là những chất dính tổng hợp, chẳng hạn như polyacrylamide, có thể phân hủy thành các hóa chất độc hại. Vì vậy, Srinivasan và các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu cách xem chất dính tự nhiên từ đậu bắp, lô hội, xương rồng, cỏ ca ri, me và psyllium (vỏ hạt mã đề) mua ở siêu thị sẽ hoạt động như thế nào.
Họ đã thử nghiệm các chuỗi carbohydrat, được gọi là polysaccharid, từ những cây riêng lẻ, cũng như kết hợp, với các nguồn nước bị ô nhiễm vi nhựa khác nhau, kiểm tra hình ảnh trước và sau khi chụp bằng kính hiển vi để xác định có bao nhiêu hạt được loại bỏ.
Họ phát hiện polysaccharid từ đậu bắp kết hợp với polysaccharid từ cỏ ca ri có thể loại bỏ tốt nhất vi nhựa khỏi nước đại dương, trong khi polysaccharid từ đậu bắp kết hợp với me hoạt động tốt nhất trong mẫu nước ngọt.
Nhìn chung, các polysaccharid đều hoạt động tốt, một số thậm chí tốt hơn polyacrylamide. Điều quan trọng là hợp chất có nguồn gốc từ thực vật không độc hại và có thể sử dụng trong các nhà máy xử lý hiện có.
Srinivasan hy vọng có thể mở rộng quy mô và thương mại hóa quy trình, cho phép nhiều người tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn hơn.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)