Thay vì sửa chữa kính thiên văn tại đài quan sát Arecibo, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ có kế hoạch biến địa điểm này thành một trung tâm giáo dục đa ngành.
Đài quan sát Arecibo sau khi sụp đổ vào năm 2020.
Theo thông tin từ Space.com, kính thiên văn vô tuyến khổng lồ tại Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico sẽ không được xây dựng lại sau khi sụp đổ hồi tháng 12/2020. Hoàn thành xây dựng vào năm 1963, đài thiên văn Arecibo là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khí quyển và thiên văn học.
Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) đã xác nhận rằng đài quan sát Arecibo sẽ không nhận được kinh phí để sửa chữa tổn thất. Dự án giáo dục mới cũng không bao gồm bất kỳ khoản tài trợ dài hạn nào cho các thiết bị đang hoạt động tại đài quan sát.
“Bất chấp yêu cầu của các nhà khoa học, NSF vẫn quyết định không xây dựng lại kính thiên văn. Chúng tôi đã lường trước được việc họ sẽ đóng cửa toàn bộ cơ sở”, Abel Méndez, một nhà thiên văn học tại Đại học Puerto Rico, cho biết.
Tuy vậy, Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) có dự định biến địa điểm này thành trung tâm giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học dựa trên di sản của đài thiên văn. Trung tâm dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2023.
Kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ của Đài quan sát Arecibo trước khi sụp đổ.
"Hôm 13/10, NSF xác nhận kế hoạch xây dựng một trung tâm giáo dục đa ngành tại Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico. Trung tâm sẽ mở rộng dựa trên các nghiên cứu và tài liệu có sẵn tại đài quan sát, đồng thời triển khai chương trình giáo dục mới", các quan chức tại NSF viết trong một tuyên bố.
NSF lưu ý thêm rằng cơ quan sẽ tài trợ 5 triệu USD trong khoảng thời gian 5 năm cho trung tâm giáo dục mới. Theo trang tin AP, NSF cũng dự định ký kết với đài quan sát một hợp đồng bảo trì 5 năm trị giá ít nhất 1 triệu USD/năm. Ông Méndez cho rằng số tiền này sẽ đủ để duy trì đài thiên văn tiếp tục hoạt động.
Vào năm 2017, khi cơn bão Maria đổ bộ vào Puerto Rico, đài quan sát đã chịu ảnh hưởng ít nhiều. Tháng 8/2020, một sợi cáp phụ bật ra khỏi ổ tạo thành vết nứt dài hơn 30 m trên đĩa. Các sự cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc của kính thiên văn.
Sau đó vào tháng 12/2020, cấu trúc nặng 820 tấn của kính thiên văn đã rời khỏi dây cáp thép và rơi xuống phần đĩa rộng 305 mét bên dưới khiến Đài quan sát Arecibo đổ sập trong đêm.
Theo Space.com, đây là cái kết buồn cho một biểu tượng của ngành thiên văn. Đối với các nhà khoa học, Arecibo là công cụ quan trọng trong việc khám phá vũ trụ.
Họ đã sử dụng kính thiên văn tại đài quan sát để nghiên cứu các tiểu hành tinh khi chúng bay ngang qua Trái Đất, tính toán thời gian can thiệp trước khi xảy ra va chạm.
Năm 1967, Arecibo đã có "thành tích" đầu tiên khi phát hiện rằng Sao Thủy mất 59 ngày để quay một vòng, không phải 88 ngày như các nghiên cứu trước đây.
Các nhà khoa học còn sử dụng Arecibo để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài Trái Đất. Năm 1974, đài thiên văn đã phát ra dòng tần số sóng mạnh nhất mà Trái Đất từng gửi vào vũ trụ để tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)