Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đau chân, coi chừng bệnh mạch máu

Tạp Chí Giáo Dục

Đau nhức hai chân là triệu chứng rất thường gặp của nhiều loại bệnh, nên dễ gây chẩn đoán nhầm lẫn hoặc bị người bệnh lẫn bác sĩ bỏ qua. Nếu đó là đau chân do tắc mạch thì thật nguy hiểm cho người bệnh.

Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ gây tắc động mạch chân – Ảnh: N.C.T

Nếu có dịp quan sát tại các phòng khám xương khớp và mạch máu, có thể nhận thấy khoảng hơn một nửa số bệnh nhân đến khám có các triệu chứng xảy ra ở hai chân. Trong đó, đau cách hồi là triệu chứng thường dễ bị bỏ sót hoặc có thể bị nhầm lẫn. Điều đó làm bệnh nhân bị mất cơ hội điều trị và theo dõi bệnh mạch máu ở giai đoạn sớm, có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc về sau. Thực tế, gần như hầu hết bệnh nhân bệnh mạch máu đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, như đau chân dữ dội ngay khi nghỉ ngơi, teo
cơ thiểu dưỡng nặng nề, hoặc thậm chí tím tái chân, hoại tử chân… Với các tình huống như vậy, kết quả điều trị sẽ rất kém và tỉ lệ cắt bỏ chân rất cao. Đây là thực trạng tại nước ta, một vấn đề cần được nhìn nhận và đáng báo động.
Mô tả cơn đau cách hồi
Tránh các biến chứng nặng
Một điều quan trọng: với những người có yếu tố nguy cơ như người tuổi trên 50, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành… nếu có triệu chứng đau cách hồi chân và kém đáp ứng với các điều trị giảm đau thông thường cần nghĩ đến nguyên nhân hẹp tắc động mạch. Những người này nên được khám và tư vấn tại các chuyên khoa mạch máu để có thể phát hiện sớm bệnh, tăng khả năng bảo tồn chân, tránh các biến chứng nặng có thể dẫn tới hoại tử, phải cắt bỏ chân sau này.
Đau cách hồi là thuật ngữ y khoa. Đây là cơn đau được mô tả với cảm giác co rút, thắt chặt, đau nhức, rất khó chịu, xảy ra sau khi người bệnh hoạt động, đi lại một quãng đường nhất định. Vị trí đau thường ở vùng cẳng
chân. Cơn đau thường chỉ giảm, nhẹ bớt khi người bệnh ngồi nghỉ, để thõng chân. Nhưng nếu tiếp tục đi thì sau một quãng đường cố định như cũ, cơn đau sẽ xuất hiện trở lại. Đau cách hồi sẽ làm người bệnh không thể đi liên tục trong một quãng đường dài, mà phải khập khiễng và ngắt quãng với từng quãng đường ngắn, vừa đi vừa nghỉ từng đoạn một. Người bệnh cũng có thể khai rằng nếu hoạt động nặng hoặc chạy nhanh, hoặc đi lên dốc, hoặc lội nước, cơn đau sẽ xuất hiện sớm hơn so với đi trên đường bằng phẳng. Vị trí cơn đau cũng có thể xảy ra ở vùng đùi hoặc vùng mông, kèm theo chứng rối loạn cương dương (hội chứng Lerich).
Đau cách hồi được coi là triệu chứng điển hình của bệnh hẹp tắc động mạch.
Bệnh càng tiến triển, quãng đường đi được càng ngắn lại. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân có thể đau ngay cả lúc nghỉ ngơi.
Phân biệt với các cơn đau chân khác

Hoại thư toàn bộ bàn chân do bệnh nhân đến muộn – Ảnh: BS L.P.L.
Ngoài các đặc điểm như đã mô tả ở trên, đau cách hồi điển hình do mạch máu có thể kèm theo các dấu hiệu khác như giảm hay mất mạch một bên chân, sờ thấy lạnh hơn bên đối diện, teo cơ, rụng lông, hư móng, chân tái nhợt hơn khi giơ cao… Người bệnh không thấy đỡ đau khi dùng các thuốc điều trị giảm đau thông thường.
Trong khi đó, nếu đau do nguyên nhân thần kinh thì cơn đau thường xảy ra và nặng hơn ngay khi người bệnh bước đi những bước đầu, khi có cử động của chân. Người bệnh cũng đi khập khiễng và rất khó khăn trên toàn bộ quãng đường chứ không ngắt quãng. Khi dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày có thể kèm theo các triệu chứng khác như tê rần, kiến bò hoặc giảm cảm giác, teo cơ… nhưng chân vẫn bắt được mạch rõ, nhìn thấy hồng hào, sờ thấy ấm.
Nếu đau do nguyên nhân xương khớp, cơn đau cũng sẽ xuất hiện ngay khi người bệnh bắt đầu cử động, bước xuống đi lại, thay đổi tư thế. Quãng đường người bệnh đi được không cố định mà có thể thay đổi ngắn dài tùy theo mức độ đau chân. Đau có thể xảy ra ở một tư thế nhất định, khi có sự co kéo, dãn các khớp, dây chằng hoặc có thể kèm theo các dấu hiệu của viêm khớp như sưng, nóng, đỏ, ấn đau tại chỗ, biến dạng khớp… Đau ở trường hợp này thường đáp ứng với các thuốc kháng viêm giảm đau và các thuốc bổ trợ về xương khớp đường toàn thân hay tại chỗ khác, sau một thời gian điều trị.
Một bệnh khác cũng có thể bị nhầm lẫn là suy tĩnh mạch mãn tính. Tuy nhiên bệnh này ít khi gây ra các cơn đau thật sự. Người bệnh thường hay mô tả các cảm giác nặng nề, nhức mỏi, ê ẩm, căng cứng chân, tê rần… xảy ra sau khi đứng lâu, sau một ngày làm việc. Các triệu chứng nặng hơn về chiều tối và thường nhẹ hơn vào buổi sáng, hay sau khi nghỉ ngơi, gác chân cao. Đây là điểm khác biệt cơ bản với đau cách hồi mạch máu, vì bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu ngồi gác chân cao, người bệnh thường phải ngồi để thõng chân xuống giường. Các triệu chứng kèm theo của suy tĩnh mạch là tình trạng sưng phù chân quanh mắt cá, vọp bẻ về đêm, giãn các tĩnh mạch nông ngoài da, chân nóng ấm…
BS Lê Phi Long (BV ĐH Y dược TP.HCM/Tuổi Trẻ)

 

Bình luận (0)