Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu thường biểu hiện hay đau chân khi đi bộ – Ảnh minh họa: Duyên Phan |
Tình trạng chèn ép tĩnh mạch chậu có thể dẫn đến suy tĩnh mạch chi dưới ở mức độ nặng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, đây là bệnh không thể được điều trị dứt điểm bằng những phương pháp điều trị suy tĩnh mạch thông thường.
Hội chứng thường gặp
Hội chứng này thường gặp phần lớn ở nữ giới (80%) và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng từ 20 đến 50 tuổi.
Vào những năm giữa thế kỷ 20, những nghiên cứu phẫu tích trên xác cho thấy tỉ lệ người có bất thường này cao từ 22-32%. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ này tăng theo tuổi.
Điều may mắn là không phải tất cả các trường hợp chèn ép tĩnh mạch chậu đều phát triển thành bệnh. Các thương tổn này thường yên lặng và một số sẽ đột ngột trở nặng khi có thêm các yếu tố bất thường khác về hồi lưu tĩnh mạch chi dưới.
Có thể vì vậy, biểu hiện đầu tiên của bệnh thường xuất hiện sau phẫu thuật, sau khi mang thai, sau thời gian nằm liệt giường, hay khi phải làm việc ở tư thế đứng trong thời gian dài…
Phát hiện ra sao?
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu biểu hiện giống như suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới, hoặc hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu hay nặng hơn là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính.
Biểu hiện của suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới: đau nhức chân, chủ yếu ở chân trái kèm các cảm giác khó chịu khác như mỏi, nặng, cảm giác kiến bò, chuột rút… tăng lên khi đi đứng và giảm đi khi nằm kê chân cao hay mang vớ áp lực, kèm theo tình trạng phù chân, gân xanh đỏ nổi dưới da hoặc có thể loét ở cổ chân.
Hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu gây nên hội chứng: đau mãn tính vùng bụng dưới kèm theo các triệu chứng kích thích đường tiểu tiện, đại tiện và sinh dục.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính: có hơn 50% người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái có hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu, và tỉ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân trái cao hơn chân phải gấp 5 lần.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với tình trạng đau và phù ở chân trái tăng dần, đi kèm các tĩnh mạch mới nổi lên ở vùng đùi và bẹn.
Đây là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong đột ngột do cục máu đông di chuyển về tim gây tắc động mạch phổi hay nhẹ hơn là tình trạng suy tĩnh mạch hậu huyết khối với phù, đau chân và lở loét về sau.
Giải pháp điều trị
Trước đây, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn.
Ngày nay, với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi, người bệnh có thể đi lại sớm vài giờ sau mổ và xuất viện ngay ngày hôm sau.
Đối với bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu do chèn ép tĩnh mạch chậu, phương pháp điều trị mới là loại bỏ huyết khối bằng thuốc, bằng cơ học hay phẫu thuật, kết hợp với nong bóng và đặt stent mở rộng tĩnh mạch chậu bị hẹp hay tắc nghẽn.
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu là gì? Trong cơ thể con người, động mạch dẫn máu từ tim đến nuôi các cơ quan. Sau đó, máu sẽ theo tĩnh mạch để quay trở về tim. Phần lớn động mạch và tĩnh mạch sẽ đi song song nhau, trừ một vài nơi động mạch bắt chéo với tĩnh mạch. Ở phần bụng dưới, động mạch chủ bụng ở vị trí ngang rốn sẽ chia ra thành 2 nhánh để đưa máu xuống 2 chân. Tương tự, tĩnh mạch 2 chân đi lên đến vị trí này cũng sẽ hợp lại thành một ngay phía trước của cột sống thắt lưng. Do đó, tĩnh mạch chậu trái sẽ bị kẹp giữa động mạch chậu phải ở phía trước và cột sống ở phía sau. Thường động mạch chậu phải sẽ đập theo nhịp tim nên tĩnh mạch chậu trái sẽ bị tác động theo cơ chế “trên đe dưới búa”. Nếu nhịp tim trung bình là 75 lần/phút, tính đến thời điểm 30 tuổi, tĩnh mạch chậu trái đã chịu va đập như thế đến khoảng 1 tỉ 200 triệu lần. Do đó tĩnh mạch chậu sẽ biến đổi: mô quanh tĩnh mạch và thành tĩnh mạch sẽ xơ hóa, lòng tĩnh mạch sẽ hẹp lại, có thể xuất hiện nhiều màng ngăn, mạng xơ sợi hoặc nặng hơn là tắc hoàn toàn. Hồi lưu tĩnh mạch về tim sẽ chậm hoặc bị gián đoạn, làm ứ đọng máu ở chân và gây nên các triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch mãn tính hay bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. BS LÊ THANH PHONG (BV ĐHYD TP.HCM) |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)