Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đâu chỉ là chuyện thay tên

Tạp Chí Giáo Dục

Đề nghị thay vì gọi môn khoa học xã hội thì đổi thành lịch sử – địa lý sẽ làm vừa lòng tất cả mọi người, ngỡ nói để cho vui, nhưng nay lại trở thành sự thật.

Một giờ học toán vận dụng phương pháp tích hợp của học sinh Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) – Ảnh: Tuệ Nguyễn

Cuộc tranh cãi gay gắt về vị trí môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã có hồi kết theo kiểu “có hậu” để các bên đều đạt được một thắng lợi nào đó.

Câu chuyện bắt đầu sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới.
Theo dự thảo, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS), học sinh (HS) sẽ học các môn bắt buộc gồm tiếng Việt/ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, thể dục, giáo dục lối sống/giáo dục công dân, cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội và tự nhiên (từ các môn khoa học, lịch sử và địa lý ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành).
Cấp THCS có 2 môn mới là khoa học tự nhiên (hình thành chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh trong chương trình hiện hành) và khoa học xã hội (các môn sử, địa trong chương trình hiện hành). Ngoài ra, HS ở 2 cấp này còn có các môn tự chọn.
Cấp THPT có 4 môn bắt buộc là ngữ văn 1, toán 1, công dân với Tổ quốc (hình thành chủ yếu từ các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng – an ninh và một số nội dung lịch sử, địa lý), ngoại ngữ 1 và các môn tự chọn. Riêng tự chọn trong nhóm môn học, gồm 3 – 4 môn trong các môn sử, địa, ngữ văn 2, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, toán 2, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội theo định hướng nghề nghiệp.
Mọi chuyện bùng nổ khi có ý kiến cho rằng với cách tích hợp như thế này thì dự thảo chương trình tổng thể đã “khai tử” môn sử. Cao trào của sự kiện này vào ngày 15.11, tại buổi hội thảo môn lịch sử trong giáo dục phổ thông do Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức, nhiều ý kiến gay gắt yêu cầu phải đưa môn sử trở thành môn độc lập, bắt buộc. Chuyện độc lập hay tích hợp môn sử nóng bỏng đến mức trở thành một vấn đề của kỳ họp Quốc hội diễn ra trong thời gian đó. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 16.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết Bộ vẫn đang “lắng nghe”. Kết thúc kỳ họp Quốc hội có nghị quyết tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình – sách giáo khoa mới. Nghị quyết này lại có phần mâu thuẫn với nội dung Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với yêu cầu lồng ghép các môn tạo thành môn học tích hợp.
Mặc dù vậy vấn đề đã được giải quyết ngày 7.12. Theo đó sử sẽ là môn bắt buộc trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Bậc tiểu học vẫn tích hợp vào các môn khác như dự thảo. Ở THCS hoặc vẫn là môn độc lập hoặc xây dựng thành môn lịch sử và địa lý (thay vì môn khoa học xã hội như dự thảo). Ở bậc THPT, lịch sử vẫn là nội dung bắt buộc nhưng sẽ không tích hợp vào môn học công dân với Tổ quốc. HS chọn học lịch sử để thi ĐH sẽ bắt buộc học sử nâng cao. Những HS khác phải học môn lịch sử – địa lý ở mức độ kiến thức cơ bản.
Hồi kết đã có nhưng lại mở ra vấn đề còn quan trọng hơn: dạy và học môn sử trong trường phổ thông như thế nào để thật sự là một môn khoa học và HS không chối bỏ nó. Đây mới là điều dư luận thật sự quan tâm qua cuộc tranh cãi này chứ không phải độc lập hay tích hợp, tự chọn hay bắt buộc. “Thay tên đổi họ” từ khoa học xã hội sang lịch sử – địa lý hay tên gì khác, không quan trọng. Điều đáng quan tâm hơn là bản chất của nó. Dù gọi tên gì nếu vẫn cứ dạy – học như từ trước đến nay thì chẳng mong đợi có sự thay đổi nào!

Nhiên An/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)