Để giữ chân học sinh, hạn chế tình trạng chuyển trường, các trường THPT đã ra nhiều quy định ràng buộc nhằm đảm bảo tính công bằng trong giáo dục.
Các trường THPT “đau đầu” giữ chân học sinh chuyển trường (hình chỉ mang tính minh họa)
Quy định để giữ chân học sinh
Tại TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm luôn được xem là kỳ thi có tính phân hóa cao. TP.HCM thực hiện phân luồng 70% học sinh sau THCS tiếp tục theo học tại các trường THPT công lập, 30% còn lại sẽ lựa chọn các hướng học khác như THPT ngoài công lập, giáo dục nghề nghiệp… Vì vậy, để có suất vào lớp 10 công lập, đặc biệt là các trường THPT tốp trên thì học sinh phải nỗ lực rất nhiều trong học tập.
Từ đó, một bộ phận phụ huynh lựa chọn đăng ký nguyện vọng cho con vào các trường THPT có điểm chuẩn thấp, sau khi học được một học kỳ hoặc một năm học sẽ xin chuyển trường cho con…
Tình trạng học sinh sau khi trúng tuyển xin chuyển từ các trường THPT tốp dưới lên trường THPT tốp trên phổ biến đến mức nhiều trường THPT tốp dưới thậm chí không giải quyết bất kỳ trường hợp nào xin chuyển trường nếu học sinh không thực sự có lý do chính đáng.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức bày tỏ: Là trường ở vùng ven thành phố, hàng năm trường tuyển sinh rất khó khi chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu, trong khi cơ sở vật chất của trường thì không hề thua kém các trường khác. Mặc dù vậy, trước đây, chỉ học được một học kỳ 1 của năm lớp 10 hoặc cuối năm học, tình trạng học sinh xin chuyển trường rất nhiều dù chất lượng giáo dục của trường càng ngày càng được nâng cao. Có năm, chỉ sau một năm học, trường mất đi đến 1, thậm chí là 2 lớp 10…
“Một vài năm nay, trường không giải quyết trường hợp nào xin chuyển trường nếu như phụ huynh học sinh không có lý do chính đáng. Nhà trường căn cứ theo đúng thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT về quy định học sinh xin chuyển trường để giải quyết. Song song đó, đội ngũ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nhiều sân chơi để giữ chân học sinh” – vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) quy định, việc chuyển trường của học sinh nhà trường đến trường khác chỉ giải quyết trong trường hợp “nhà học sinh phải cách Trường THPT Bình Hưng Hòa từ 7km trở lên và được sự đồng ý của hiệu trưởng trường chuyển đến”. Bên cạnh đó, trường sẽ không tiếp nhận, giải quyết trường hợp chuyển trường với học sinh khối 12 năm học 2023-2024.
Riêng việc tiếp nhận học sinh chuyển đến, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hòa Nguyễn Duy Bình quy định, học sinh phải đạt các điều kiện sau: học lực, hạnh kiểm lớp 10 năm học 2022-2023 phải xếp loại từ khá trở lên. Đồng thời việc tiếp nhận học sinh chuyển đến còn phụ thuộc vào tình hình thực tế sĩ số học sinh/lớp.
Đảm bảo tính công bằng
Một trường THPT ở quận 5, thống kê vài năm trước mỗi năm trường có khoảng vài chục học sinh xin chuyển trường mà trường hợp nào cũng… có lý do, với đủ lý do chính đáng. Do vậy, hiệu trưởng nhà trường cho hay, sở dĩ các trường phải “ràng buộc” trong việc chuyển trường là để hạn chế tình trạng học sinh xin chuyển trường ồ ạt, đảm bảo tính công bằng cho mọi học sinh.
“Trường THPT mà phụ huynh học sinh xin cho các em chuyển đến đa phần là các trường tốp trên, với mức điểm chuẩn tuyển sinh cách biệt, nếu thi tuyển thì các em không thể trúng tuyển. Do đó, việc ràng buộc quy định chuyển trường còn nhằm đảm bảo tính công bằng cho mọi học sinh, hạn chế phát sinh những tiêu cực…” – hiệu trưởng này nói.
Tại TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có tính phân hóa cao, vì thế cần sự nỗ lực của học sinh để có thể vào được trường THPT tốp trên
Hiệu trưởng này phân tích: Tại TP.HCM, ngay khi đặt nguyện vọng vào trường THPT, học sinh đã được các trường THCS tư vấn rất kỹ về khoảng cách địa lý để phù hợp với điều kiện di chuyển của học sinh; phụ huynh học sinh đã phải làm đơn cam kết không đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển. Do đó, nếu lấy lý do rằng điều kiện di chuyển khó khăn để xin chuyển trường thì không đủ sức thuyết phục.
Chung nỗi bức xúc, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 10 kể, điểm chuẩn tuyển sinh của trường thuộc “tốp sàn” song khi học sinh xin chuyển đi lại toàn xin đến các trường “tốp trên”. Không hiếm trường hợp phụ huynh lấy các mối quan hệ cá nhân ra để nhờ can thiệp xin chuyển trường, gây áp lực cho hiệu trưởng…
Hiệu trưởng này cho biết, nếu vì điều kiện gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống thì nhà trường sẵn sàng tạo mọi điều kiện để học sinh chuyển đến trường THPT thuận lợi cho các em theo học. Tuy nhiên, với các trường hợp khác, việc giải quyết cần phải được nhà trường xem xét ở nhiều yếu tố, để tránh trường hợp tiêu cực, phụ huynh học sinh chọn trường là “trạm dừng chân” để xin chuyển đến các trường tốp trên, sẽ tạo ra tiền lệ xấu.
“Không thể có chuyện phụ huynh học sinh cứ cho con vào học những trường THPT có điểm chuẩn đầu vào thấp sau đó học được một thời gian thì xin đến các trường THPT với đủ thứ lý do. Nhà trường không làm khó phụ huynh mà chỉ đảm bảo công bằng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp ngay cả khi đã giải quyết, học sinh cũng khó lòng theo học được ở trường chuyển đến do sức học không phù hợp. Trong bài toán chuyển trường, phụ huynh cần phải đặc biệt tính đến yếu tố tâm lý, sức học của con em mình…” – hiệu trưởng này chia sẻ.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, từ năm học 2022-2023 việc chuyển trường học sinh THPT TP.HCM sẽ được thực hiện trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới và khi kết thúc học kỳ I của năm học. Hiệu trưởng trường nơi chuyển đi và hiệu trưởng trường nơi chuyển đến thống nhất cho chuyển đi và nhận chuyển đến. Trong đó, hiệu trưởng trường tiếp nhận học sinh chuyển đến căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh được giao hàng năm để tiếp nhận học sinh (không nhận thêm học sinh khi đã đủ chỉ tiêu).
Đặc biệt, ông lưu ý: Hiệu trưởng nhà trường khi tiếp nhận học sinh chuyển đến cần lưu ý xem xét kỹ chương trình học (Chương trình GDPT 2006 hay Chương trình GDPT 2018), môn học (bắt buộc, lựa chọn, tự chọn) và các chuyên đề học tập lựa chọn để tiếp nhận học sinh, đảm bảo học sinh có thể hoàn thành chương trình học giai đoạn tiếp theo.
Đỗ Khương Yến
Bình luận (0)