Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đau đáu Làng Cam

Tạp Chí Giáo Dục

Những nạn nhân này đang mỏi mòn đợi một mái nhà chung mang tên Làng Cam

Cách đây 51 năm, Nhà nước ta chọn ngày 10-8 là Ngày thảm họa da cam/Dioxin. Ngày kỷ niệm của năm nay, cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động như mít tinh, giao lưu văn nghệ hay triển lãm ảnh, video… nhằm nhắc nhớ một nỗi đau mà chúng ta đã, đang và sẽ còn nếm trải: Hàng vạn người đã chết trong khổ đau, bệnh tật. Hàng vạn em bé chào đời trong dáng hình dị dạng, thiểu năng…
Thống kê, Việt Nam hiện có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó phải kể đến số lớn các nạn nhân là trẻ em thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 và hiện tại, di chứng da cam vẫn hoành hành ở thế hệ thứ 4. Riêng TP.HCM, có hơn 20 ngàn người bị phơi nhiễm, chịu một hoàn cảnh sống khó khăn, không nghề nghiệp, việc làm. Họ sống dựa vào nguồn trợ cấp có hạn của Chính phủ.
Mặc dù nửa thế kỷ qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp đỡ, chăm lo các gia đình nạn nhân vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống, song đó vẫn chỉ là những hành động như muối bỏ bể trước nỗi đau quá lớn mà nhân dân gánh chịu. Nỗi đau không chỉ đến từ thể xác, đói nghèo. Ông Đinh Công Đắc ở quận 1, ảnh hưởng từ hóa chất da cam/dioxin mang trên người, bốn đứa con của ông sinh ra đã ba đứa ngờ nghệch, tháng ngày chỉ lê núp trong bóng tối, gầm giường, đứa còn lại cũng cuồng loạn đập phá tan tành những gì quơ thấy. Có hàng ngàn hàng vạn quái thai, thân hình dị dạng, không khóc, không cười ngay từ lúc sinh ra, cả cuộc đời là chuỗi tháng năm nằm liệt…
Cách đây mấy năm, lòng người dân như mở hội khi UBND TP.HCM quyết định giao cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố 49.000m2 đất tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn để dựng xây Trung tâm Nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin (gọi tắt là Làng Cam). Ở đó, họ sẽ có một nơi ăn chốn ở, được chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe và đặc biệt Làng Cam sẽ là nơi để những nạn nhân còn khả năng được học nghề, làm việc rồi tự vươn lên hòa nhập với xã hội. Theo dự kiến của quyết định, ngay trong năm 2011, Làng Cam sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2012.
Việc xây dựng Làng Cam được xem là một hành động nhân văn, thiết thực, thể hiện tinh thần và nghĩa cử cao đẹp nhằm chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn chỉ là một… dự án còn nằm trên bản thảo. Giải thích cho điều này, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cho hay, nguyên do chỉ vì thủ tục hồ sơ giấy tờ và khâu đền bù giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo!
Một lý do làm buồn lòng, gây mòn mỏi thêm nỗi mong chờ của nhân dân, chất cao hơn nỗi khắc khoải, trở trăn thêm những hy vọng của các nạn nhân bị phơi nhiễm, ảnh hưởng bởi thứ chất độc da cam/dioxin. Thiết nghĩ, sẻ chia nỗi đau của các nạn nhân nói riêng, của mỗi người dân đất Việt nói chung, không đơn giản dừng lại ở hoạt động tinh thần, mà toàn thể xã hội, ban ngành phải gấp rút, cấp thiết chung tay giải quyết những tồn đọng, khúc mắc trong công tác xây dựng Làng Cam. Để những trái tim hướng về ngày này, khi nhắc đến Làng Cam sẽ thôi không còn đau đáu…
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)