Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đau đầu vì… chuột

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày cũng như đêm, bà Nga đều đặt bẫy và keo dính chuột
Chuột mang trên mình nhiều động vật ký sinh có thể gây chết người nếu người dân không có biện pháp thu gom xác chuột chết cũng như sát khuẩn đúng cách.
Có mặt khắp nơi
Chuột không chỉ hoành hành ở vùng ven, nơi có nhiều kênh rạch mà ở những khu nhà nằm ngay trung tâm Q.1, TP.HCM cũng nhiều không kém. Chúng gặm nhấm, phá phách đồ đạc khiến người dân hết sức đau đầu. Bà Nguyễn Thị Nga (ngụ chung cư Nguyễn Huy Tự, P.Đa Kao, Q.1) ngao ngán: “Ngày cũng như đêm, từ cống thoát nước, chuột chạy thành đàn chẳng chút sợ sệt. Cứ đặt bẫy chỗ này thì chúng di chuyển sang chỗ khác”. Sau nhiều đêm chuột phá phách đồ đạc ở khu vực bếp, bà Nga chong đèn sáng đêm, tìm mọi cách đuổi bắt thì những đêm sau, chúng tấn công lên nhà trên, cắn nát dây điện máy quạt rồi đến xe máy, giày dép… Bà Nga tiếp: “Các con tôi ngủ trên nệm vậy mà chuột vẫn gặm nhấm vào các đầu ngón tay, ngón chân, kinh lắm”.
Người dân ngụ đường Mã Lộ, bên hông chợ Tân Định, P.Tân Định, Q.1 nhiều năm rồi quen cảnh chuột ra vào nhà như nhà hoang. Ngoài keo dán, hầu như nhà nào cũng có bẫy chuột nhưng xem ra không hiệu quả. “Bẫy được một, hai con là chúng bị động, vào nhà theo hướng khác. Ở gần chợ, chuột con nào con nấy to bằng bắp tay. Chúng còn chui lên mái, la phông làm ổ đẻ…”, ông Nguyễn Văn Tỵ, người dân ở đây nói.
Gần đây mưa nhiều, nước bẩn theo triều cường lên, hôi hám và ẩm thấp kéo theo chuột sinh sôi. Nhiều hộ dân ngụ tầng trệt tại lô B, lô C chung cư Thanh Đa, Q.Bình Thạnh đau đầu vì đêm về chuột quấy phá, cắn nát bất kỳ vật dụng gì khiến người dân mất ăn mất ngủ. Anh Trần Thanh Tĩnh, ngụ tại đây cho biết: “Cứ một, hai ngày kiểm tra các thiết bị điện đều phát hiện chuột gặm nhấm gần đứt lìa, khi thay mới rồi cũng bị cắn nữa”. Chị Vân Hằng, người trông giữ xe ở tầng trệt lô A bức xúc: “Cứ vài hôm là có một chiếc xe bị chuột cắn đứt dây điện, ống dẫn xăng. Từ đầu mùa mưa đến nay phải trả tiền sửa xe cho khách gần 2 triệu bạc”.
Biện pháp tránh lây bệnh
Chưa năm nào thấy chuột nhiều như năm nay
Hơn 20 năm làm nghề thu gom rác dân lập ở P.Tân Quy Đông, Q.7, chưa năm nào bà Huỳnh Thị Nhờ thấy chuột nhiều như năm nay. Theo bà Nhờ, gom rác ở một con hẻm trên dưới 40 căn nhà thì có hơn phân nửa trong rác có chuột. Bà Nhờ nhún vai: “Kinh khủng lắm, bao rác có 1-2 con, hôm thì 5-7 con. Có người thì cho vào nhiều lớp bao để riêng rồi cẩn thận dặn người đổ rác nhưng không ít người cứ bỏ chung vào rác, máu me, thậm chí chuột chết đã lâu, mùi hôi thối nồng nặc”. 
Chuột hoành hành không chỉ gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà điều lo ngại nhất là nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ loài gặm nhấm này mang lại. BS. Nguyễn Thanh Tuấn, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết do sống ở cống rãnh, chui rúc ở những nơi ẩm thấp nên chuột mang nhiều loài ký sinh có thể gây chết người. Loài ký sinh này sống nhờ máu của chuột nên khi chuột chết, bị vứt bừa bãi hoặc chết nhiều ngày trong kẹt, mái nhà mà người dân không tìm được xác thì động vật ký sinh này bò ra ngoài (do không còn máu để nuôi sống mình). Lúc này, cơ thể người hoặc các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo là môi trường mà động vật ký sinh tìm đến cắn, hút máu và đây chính là đường lây truyền bệnh dịch hạch.
Việc thu gom, dọn dẹp vệ sinh nơi chuột chết cũng cần hết sức lưu ý. BS. Tuấn khuyên: “Tuyệt đối không dùng tay để lấy xác chuột chết mà phải dùng kẹp gắp cho vào bao dày, buộc cẩn thận và không nên bỏ chung vào bao rác để tránh vi khuẩn phát tán. Người dân nên liên hệ với trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để có thuốc sát trùng vị trí chuột chết. Để hạn chế chuột vào nhà sinh sống, người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, cất giữ đồ đạc ngăn nắp và đặc biệt là không để nền nhà ẩm thấp”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Chuột: Ổ chứa Hantavirus
BS. Nguyễn Hữu Lâm (Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM) cho biết không chỉ có chuột mà các loài gặm nhấm là ổ chứa Hantavirus. Người bị nhiễm Hantavirus có thể do vô tình tiếp xúc với phân, nước tiểu… của chuột mang bệnh hoặc khi bị chuột cắn, ăn thức ăn không đậy kỹ khiến thức ăn bị nhiễm Hantavirus. Bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nếu phát hiện kịp thời và tuân thủ theo phác đồ điều trị của BS.
PV: Có cách nào phát hiện triệu chứng sau khi bị nhiễm Hantavirus, thưa BS?
BS. Nguyễn Hữu Lâm: Ở Việt Nam, số ca nhiễm Hantavirus không cao. Người nhiễm Hantavirus thường sốt, bắp thịt đau nhức, bị cảm, ho kéo dài trên dưới tuần lễ. Ngoài ra còn có các triệu chứng như chóng mặt, đau bụng và nôn mửa. Khi thấy các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến trung tâm y tế gần nhất để BS theo dõi, nếu chậm trễ có thể dẫn đến hội chứng về thận và sốt xuất huyết.
Đã có không ít bệnh nhân bị nhiễm độc do chuột cắn. BS có thể cho biết khi bị chuột cắn sẽ mắc bệnh gì, có nguy hiểm không?
Người bị chuột cắn nhiễm độc là bệnh Sodoku. Biểu hiện của bệnh Sodoku là sốt cao và xuất hiện nhiều lần trong thời gian từ 1-3 tháng. Nếu bệnh nặng mà không được phát hiện, điều trị thì sẽ xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tập trung ở da đầu và vùng mặt. Nguy hiểm hơn, khi bị nhiễm độc do chuột cắn, bệnh nhân thường mắc triệu chứng ảo giác, mê sảng dễ dẫn đến hôn mê sâu. Người mắc bệnh Sodoku còn có thể bị nhiễm trùng toàn thân và biến chứng thường gặp là viêm phổi, đau khớp, viêm màng não…
Xin cảm ơn BS rất nhiều!
T.An (thực hiện)
 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)