Hạnh phúc lứa đôi không thể hiện qua số tiền thách cưới (ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Hiện nay, một số gia đình đã đơn giản mọi thủ tục trong việc cưới hỏi. Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn còn nặng nề chuyện thách cưới. Nhiều cặp đôi đã đứt duyên vì… nhà gái thách cưới quá cao.
1.001 chuyện thách cưới
Xã hội phát triển, tiến bộ dẫn đến hủ tục thách cưới ở nhiều địa phương không còn mang nặng về vật chất như trước đây mà chỉ mang tính biểu trưng để hai bên gia đình thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Thế nhưng, đối với một số gia đình, việc thách cưới vẫn còn cầu kỳ dẫn đến những câu chuyện bi hài. Anh Minh Tài (Q.5, TP.HCM) vẫn chưa hết bức xúc khi kể về câu chuyện của mình hai năm trước. Ngày được bạn gái dẫn về ra mắt ba mẹ ở quê, anh hoảng hồn vì ba mẹ bạn gái đặt ra những yêu cầu cho lễ ăn hỏi, tính sơ sơ đã gần 50 triệu đồng. Khi đó, nghe xong anh đã toát mồ hôi hột vì những lời thách cưới. Biết bạn gái là con gái một, được ba mẹ cưng chiều từ nhỏ nhưng anh Tài vẫn không khỏi lo lắng nghĩ đến tương lai phía trước khi về làm rể gia đình này.
Cứ ngỡ tục thách cưới chỉ còn ở một số vùng quê nhưng ngay tại những thành phố lớn, nhiều gia đình vẫn xem chuyện thách cưới là điều bình thường, xứng đáng với công lao nuôi dạy, chăm bẵm con gái từ bé đến lớn. Khi hai gia đình bàn chuyện cưới hỏi, anh Minh Quân (Q.3) như ù cả hai tai vì những yêu cầu mà nhà gái đưa ra cho nhà trai chuẩn bị. Chưa hết bàng hoàng thì anh Quân đã rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi bên nhà gái yêu cầu đội bê tráp phải là… trai tân. Thế mới biết, xung quanh chuyện thách cưới thời hiện đại cũng còn không ít câu chuyện bi hài.
Lan Anh là cô gái xinh đẹp, tài giỏi nhưng chỉ vì ba mẹ cô ra lời thách cưới quá cao mà duyên vợ chồng của cô cùng anh Thắng bị đứt đoạn giữa chừng. Sau lần hai bên gia đình gặp mặt, cuộc hôn nhân của họ bị trì hoãn vì nhà gái yêu cầu sau khi đám cưới, anh Thắng phải có nhà riêng để hai vợ chồng trẻ có cuộc sống thoải mái, tự do. “Biết là gia đình người ta lo lắng cho con gái, muốn con gái ổn định nhưng tình hình kinh tế của tôi hiện giờ chưa thể đáp ứng được yêu cầu đó. Chia sẻ với cô ấy thì tôi chỉ nhận được lời trách móc, hờn dỗi. Thế nên, tôi dùng kế “hoãn binh” là hay nhất”. Tình cảm của họ cũng phai nhạt dần rồi cạn duyên trong luyến tiếc của nhiều người xung quanh. Không thể phủ nhận rằng hiện nay, nhiều hủ tục thách cưới còn nặng về tiền bạc, vật chất. Đây chính là một trong những nguyên nhân có thể chia rẽ hạnh phúc của các cặp đôi trẻ. Không ít đám cưới không thể tổ chức được chỉ vì nhà trai không đáp ứng nổi số tiền bạc, lễ vật thách cưới quá cao mà nhà gái đưa ra.
Không nên đặt nặng chuyện thách cưới
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Thu Cúc cho biết: “Các đám cưới xưa, nhà gái thường yêu cầu lợn gà, quần áo, vàng bạc, hương nến, bánh kẹo… Có khi, nhà trai phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền chuẩn bị cho việc thách cưới của nhà gái. Ngày nay, vấn đề này đã được nhiều gia đình đơn giản hóa, tránh những thủ tục rườm rà, tốn kém nhưng vẫn còn một số gia đình đặt nặng chuyện thách cưới”. Dù câu chuyện thách cưới của gia đình mình đã trôi qua 5 năm nhưng chị Bích Ngọc vẫn không khỏi chạnh lòng mỗi khi bị mẹ chồng nhắc đến chuyện cũ. Lần nào giận chị Ngọc thì bà lại kể lể chuyện ngày trước nhà gái thách cưới cao, con trai bà phải đôn đáo khắp nơi mới có đủ tiền lấy vợ. Cũng vì chuyện thách cưới này mà đôi lúc vợ chồng chị Ngọc lại hục hặc, tình thông gia cũng không được vẹn nguyên.
Hiện nay, nhiều gia đình nhà gái cũng không đưa ra số tiền thách cưới cụ thể mà để nhà trai tự quyết định bởi họ quan niệm mọi thủ tục, nghi lễ càng đơn giản bao nhiêu càng thuận lợi cho các con và gia đình hai bên. “Khi tính chuyện hôn nhân, nhất là những người ở xa nhau, các bạn trẻ cần có sự tìm hiểu về tập tục cưới xin của hai địa phương để có sự chuẩn bị tâm lý kỹ, cùng nhau bàn bạc, trao đổi với gia đình để có được sự cảm thông, chia sẻ. Không hề có một quy định cụ thể về số tiền thách cưới. Do đó, các cặp đôi chính là cầu nối giữa hai bên gia đình để mọi việc thuận lợi. Giá trị của người con gái và hạnh phúc gia đình không thể hiện qua số tiền thách cưới. Do đó, không nên đặt nặng chuyện thách cưới”, chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Thu Cúc khuyên.
Bài, ảnh: Yên Hà
Không nên đặt nặng chuyện thách cưới Chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Thu Cúc khuyên: “Khi tính chuyện hôn nhân, nhất là những người ở xa nhau, các bạn trẻ cần có sự tìm hiểu về tập tục cưới xin của hai địa phương để có sự chuẩn bị tâm lý kỹ, cùng nhau bàn bạc, trao đổi với gia đình để có được sự cảm thông, chia sẻ. Không hề có một quy định cụ thể về số tiền thách cưới. Do đó, các cặp đôi chính là cầu nối giữa hai bên gia đình để mọi việc thuận lợi. Giá trị của người con gái và hạnh phúc gia đình không thể hiện qua số tiền thách cưới. Do đó, không nên đặt nặng chuyện thách cưới”. |
Bình luận (0)