Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Đau đầu” với dịch sởi và tay chân miệng

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhi ở tỉnh ồ ạt kéo về TP.HCM làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo (ảnh chụp tại BV Nhi đồng 1 sáng 28-4)
Ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra công tác khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi và tay chân miệng tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM…
Bệnh nhân tràn ngập hành lang
Trung bình mỗi ngày BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận trên 5 ngàn bệnh nhi/BV đến khám và điều trị. Tuy nhiên, những ngày này, khi bệnh sởi, tay chân miệng gia tăng thì số bệnh nhi đến khám, điều trị cao hơn rất nhiều. Từ phòng khám bệnh ngoại trú cho đến các khoa điều trị nội trú đều quá tải trầm trọng, đặc biệt là Khoa Nhiễm.
Trong tổng số gần 200 bệnh nhi đang nằm điều trị tại Khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1) có phân nửa là bệnh nhi ở các tỉnh, thành phía Nam. Tại khu cách ly, chị Nguyễn Thị Hoa (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Con tôi đã được 13 tháng tuổi, trước đó gia đình cũng đã đưa bé đi tiêm chủng, vậy mà vẫn mắc sởi. Trước khi lên BV Nhi đồng 1, bé được điều trị ở BV gần nhà. Song, thấy tình hình không ổn nên gia đình xin chuyển lên đây. Vừa khám cho cháu xong là bác sĩ yêu cầu nhập viện và đưa vào phòng cách ly…”.
Cùng phòng với mẹ con chị Hoa là mẹ con chị Lê Thị Thu Lan (Tây Ninh). Chị Lan cũng cho biết: “Bé nhà tôi nhập viện 5 ngày rồi. Mới hôm qua thôi, bé chỉ nằm ngủ li bì nhưng từ sáng đến giờ đã chịu ngồi. Bác sĩ nói, ngày mai bé có thể xuất viện. Thật sự là gia đình tôi rất lo lắng vì đọc báo, coi ti vi thấy có nhiều bé bị sởi tử vong. May mắn là con tôi đã khỏi bệnh và sắp được xuất viện”.
Trước tình trạng bệnh nhi ở tỉnh ồ ạt kéo lên BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, bà Tiến lo lắng: “Tình trạng quá tải BV sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo. Ở BV Nhi TW, trước khi phân tuyến điều trị, tình trạng lây nhiễm chéo rất nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày có vài chục bệnh nhi đang điều trị các bệnh khác bị lây nhiễm bệnh sởi. Nhưng hiện nay, sau khi phân tuyến cho các BV tuyến dưới điều trị thì tình trạng lây nhiễm chéo đã giảm đáng kể. Vì vậy, các BV ở TP.HCM cần đẩy mạnh việc cách ly, phân luồng, phân tuyến cho các BV tuyến dưới (BV quận, huyện đối với bệnh nhi ở TP, BV tỉnh đối với bệnh nhi ở tỉnh) để tránh lây nhiễm chéo. Với những bệnh truyền nhiễm như thế này, BV tuyến dưới điều trị cũng tốt…” .
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc BV Nhi đồng 1 – cho biết: “Hiện nay BV Đa khoa Q.Bình Tân là BV vệ tinh của BV Nhi đồng 1. Theo đó, chúng tôi cũng đã phân luồng để giảm tải cho BV Nhi đồng 1. Trong thời điểm bệnh sởi và một số bệnh truyền nhiễm gia tăng như hiện nay, Khoa Vệ tinh của Nhi đồng 1 ở BV Bình Tân đang điều trị cho 150 trường hợp…”.
Làm việc với lãnh đạo ngành y tế TP.HCM, bà Kim Tiến đề nghị TP.HCM phải tiếp tục mở rộng việc tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ. Bởi, số trẻ mắc sởi ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung đang có xu hướng tăng nhanh.
Thêm một trường hợp tử vong liên quan tới sởi
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Ngày 28-4, cả nước ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 3.751 trường hợp trong số 11.249 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, TP.
“Ngày 28-4 ghi nhận 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi ở BV Nhi TW. Hàng năm, trung bình mỗi ngày BV Nhi TW có 2 trường hợp tử vong do các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, phần lớn số bệnh nhân nhập viện là những trường hợp mắc bệnh nặng có liên quan đến sởi, thời gian tới có thể vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp tử vong liên quan đến sởi”, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – khẳng định.
Như vậy là đến thời điểm này, cả nước có 25 trường hợp tử vong do sởi trong tổng số 128 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.
Ngoài bệnh sởi, bệnh tay chân miệng cũng đang vào đỉnh dịch. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên một số tỉnh, TP có số mắc cao và tăng hơn so với cùng kỳ 2013 là TP.HCM (2.633 trường hợp, tăng 28,9%), Bà Rịa – Vũng Tàu (1.101 trường hợp, tăng 34,4%), Cà Mau (938 trường hợp, tăng 15,5%), Kon Tum (112 trường hợp, tăng 69,7%), Đắk Lắk (316 trường hợp, tăng 3,9%).
Bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần: “Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em). Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa. Hộ gia đình, trường mầm non thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác”…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da – chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. 
 

Bình luận (0)