Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đau đầu với hàng giả

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ thuốc tây, giày dép, quần áo, điện thoại di động, mỹ phẩm đến cả giấy vệ sinh, băng keo, tăm tre… đều bị làm giả, làm nhái với trình độ ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Nạn hàng giả, hàng nhái đang vô cùng nhức nhối.

Thuốc bảo vệ thực vật giả bị Công an TP.HCM bắt giữ tháng 3-2011. Ảnh: B.H.
Tại hội thảo “Nâng cao nhận thức của công chúng về thực thi quyền sở hữu trí tuệ” do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Dự án hỗ trợ thương mại đa biên và Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN tổ chức ngày 20-4 tại TP.HCM, các cơ quan chức năng nhận định hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc ngoại nhập, chủ yếu từ Trung Quốc.
Doanh thu giảm 30% vì hàng giả!
 

Phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc

Theo Sở Công thương TP.HCM, trong năm 2010 tại TP.HCM có 577 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả bị phát hiện, xử phạt.
Trong đó mỹ phẩm chiếm số lượng lớn với 30.970 đơn vị sản phẩm giả nhãn hiệu các loại, 5.360 áo, quần, 3.400kg đường cát, 135.560 tem, nhãn giả các loại, 14.200 mắt kính, 1.250 cuộn giấy vệ sinh… Trong đó, phần lớn mắt kính, quần áo, giày dép, vải may mặc, túi xách, giày dép… bị bắt giữ có nguồn gốc Trung Quốc.
Thậm chí, mới đây cơ quan chức năng còn phát hiện bông tai, tăm tre giả.

Phát biểu tại hội thảo, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ cho các nhà sản xuất trong nước giới thiệu về một loại tem chống hàng giả do công ty này cung cấp. Tuy nhiên, kết thúc bài phát biểu, luật sư Trần Hữu Huỳnh – trưởng ban pháp chế VCCI – đặt câu hỏi với doanh nghiệp này: “Tem chống hàng giả của công ty có bị làm giả hay không?”.

Cách đặt vấn đề này có cơ sở từ thực tế, bởi tình trạng làm giả tem chống hàng giả đã trở nên phổ biến. Nhiều lô hàng bị cơ quan chức năng bắt giữ thời gian qua có dán tem chống hàng giả. Hoặc mới đây khi kiểm tra mặt hàng gas, cơ quan chức năng TP.HCM cũng thu giữ cả tem chống giả bình gas của cơ sở làm gas giả!
Hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm là một trong những nhóm hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất và phần lớn trong số đó có nguồn gốc nhập ngoại. Ông Lê Thế Bảo, chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, cho biết: “Nếu ra chợ Đồng Xuân, Hà Nội sẽ thấy mỹ phẩm phong phú tới mức nào và phần lớn trong số đó là hàng giả. Còn nếu lên Tân Thanh, Lạng Sơn hay Móng Cái, Quảng Ninh sẽ thấy hàng giả nhập vào VN đáng báo động ra sao! Theo tôi, công tác chống hàng giả có vẻ đang đi xuống”.
Một doanh nghiệp trong ngành gia vị thực phẩm cho biết phải bỏ công nghiên cứu ra sản phẩm mới rồi lại chi hàng tỉ đồng cho truyền thông, quảng cáo để đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng ngay lập tức hàng giả giá rẻ (do không mất chi phí nghiên cứu, quảng bá) đã lập tức tràn ngập và tranh giành thị phần. Doanh thu của đơn vị này sụt giảm tới hơn 30% so với thời điểm hàng giả chưa xuất hiện. Chưa kể hàng giả làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cần chủ động
Nhà sản xuất chịu thiệt hại lớn trong vấn nạn hàng giả. Cũng vì thế, để chống hàng giả doanh nghiệp phải chủ động. Một trong những nguyên nhân để “lọt lưới” hàng giả nhập ngoại vào thị trường trong nước là do lượng hàng quá lớn, ở khu vực biên giới có rất nhiều mặt hàng, không thể nào kiểm soát xuể, trong khi ngành hải quan lại không có cơ sở dữ liệu.
Ông Nguyễn Văn Thủy, đội trưởng đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, cho rằng nếu doanh nghiệp đã đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ thì nên cung cấp thông tin bản quyền cho cơ quan hải quan. Hiện cơ quan hải quan đã tiếp nhận và xử lý gần 300 yêu cầu đến kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu như Nokia, Nike, Gucci, Chanel…
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chống hàng giả, hàng nhái chưa thật sự hiệu quả, theo ông Lê Thế Bảo, là do kinh phí quá hạn hẹp. “Để phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, cán bộ công chức phải ngồi “mòn quần” nhưng không có kinh phí ngoài lương”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quản lý tốt hệ thống bán hàng, thiết lập kênh phân phối vững chắc lưu thông hàng chính hiệu, xác lập quyền sở hữu về nhãn hàng, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ và thực hiện quy chế ghi nhãn.
Theo các cơ quan chức năng, một trong những biện pháp giúp hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái là doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả.
Mới đây, trong chương trình hàng Việt về nông thôn, hai doanh nghiệp là Công ty cân Nhơn Hòa và Công ty Kềm Nghĩa trưng bày sản phẩm thật và sản phẩm giả, nhái, chỉ rõ cho người tiêu dùng sự khác biệt giữa hai sản phẩm. Theo đại diện các công ty này, chương trình thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng đã được thực hiện khá lâu và hiệu quả tương đối rõ nét.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm trưởng ban chỉ đạo 127 Nguyễn Cẩm Tú, ban chỉ đạo 127 đã có phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá để chống hàng giả vào VN. Sắp tới sẽ phối hợp với Hiệp hội Gas chống gas giả, Hiệp hội Bia rượu chống rượu bia giả…
Theo Bạch Hoàn
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)