Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Đau đầu” với rác thải y tế

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm qua, ở Tuyên Quang, việc xử lý rác thải y tế gặp nhiều khó khăn bởi đa số các bệnh viện đều được xây dựng từ lâu, công nghệ xử lý rác thải lạc hậu, đội ngũ nhân viên xử lý chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Yên, trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 60 kg rác thải y tế. Lò đốt được đầu tư xây dựng từ năm 2008 nên không có hệ thống xử lý khí thải, vì vậy không thể kiểm soát được các khí độc hại có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe cũng như môi trường. 

Đa số các lò đốt rác thải y tế tại Tuyên Quang không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Bà Bùi Thị Minh Hương, Trưởng phòng Điều dưỡng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Hàm Yên cho biết: Rác thải của bệnh viện chủ yếu là đốt thủ công. Hệ thống xử lý rác thải đã xây dựng nhiều năm nên xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường theo các quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó, đội ngũ phụ trách công việc là các hộ lý kiêm nhiệm. Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về việc phân loại rác thải ngay đầu nguồn, bệnh viện cũng đã ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với các đơn vị ở Phú Thọ. 

Không chỉ ở các bệnh viện tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, miền núi, ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng tương tự. Khối lượng rác thải y tế quá lớn, trong khi hệ thống xử lý rác thải y tế xuống cấp. Vì vậy, mỗi lần đốt rác ảnh hưởng đến các hộ dân sống trong khu vực. 
Ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Rác thải y tế sau khi được phân loại cho vào đốt luôn trong ngày, trung bình mỗi ngày đơn vị đốt khoảng 105 kg rác thải nguy hại. Tuy nhiên, hệ thống lò đốt đã cũ, thường xuyên hỏng, đặc biệt là mùa mưa. Trong khi đó lượng chất thải y tế quá lớn, quá trình đốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân quanh vùng. 
Để khắc phục, đơn vị đã cho nối thêm ống khói, sửa đầu đốt sơ cấp nhằm giảm phần nào ảnh hưởng của khí thải, đồng thời chỉ đạo nhân viên phải đốt đúng quy trình. Bệnh viện đã được Ngân hàng Thế giới tài trợ hơn 22 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý rác thải, tình trạng trên sẽ chấm dứt vào năm 2017 khi hệ thống được đưa vào hoạt động. 

Việc xử rác thải y tế ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn do cán bộ kiêm nhiệm, không được đào tạo.

Không chỉ rác thải rắn, việc xử lý rác thải lỏng (nước thải y tế) còn khó khăn gấp bội, bởi hầu hết hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện, đặc biệt ở tuyến huyện đã xuống cấp, không còn phù hợp. Trong số 14 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, có đến 5 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải, mà nguyên nhân là do xây dựng mới nên không được đầu tư. Nhiều bệnh viện sử dụng các hệ thống xử lý đã cũ và xuống cấp, không đảm bảo quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn về môi trường. 

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Sơn, trong khi rác thải phải đi nhờ Bệnh viện Trung Môn xử lý, thì nước thải buộc đơn vị phải tự xử lý nhưng bệnh viện vẫn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Trung bình mỗi ngày bệnh viện thải ra khoảng 20 m3 nước nhưng không được xử lý triệt để đã ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và đời sống của bà con trong khu vực. 
Ông Hoàng Thanh Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Sơn thừa nhận: Chất lượng nước thải sau khi được xử lý của bệnh viện không đảm bảo được các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nguyên nhân là do bệnh viện đang nằm trong quy hoạch di dời để xây dựng mới, nên không được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Hiện nước thải y tế, nước thải sinh hoạt và nước thải bề mặt đều được thu gom vào bể xử lý diệt khuẩn trước khi được thải ra môi trường. 

Thực hiện nghiêm việc phân loại rác góp phần nâng cao chất lượng xử lý rác thải y tế.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, trung bình mỗi ngày toàn bộ hệ thống bệnh viện trên địa bàn thải ra khoảng 500 kg rác thải y tế, phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là đốt. Đa số các lò đốt được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, trong khi đó, chưa có cán bộ chuyên trách, cán bộ được phân công phụ trách thì chưa được tập huấn xử lý rác thải. Các lò đốt rác đều phải hoạt động thường xuyên nên việc bảo dưỡng, sửa chữa chưa được thường xuyên. Kinh phí dành cho việc tu sửa, kiểm định, đánh giá tác động môi trường cũng chưa có. 

Ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã xác định nếu không được xử lý tốt, chất thải y tế có thể gây tác hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường nhưng "lực bất tòng tâm". Trước mắt, Sở yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế trong việc phân lại rác tại cơ sở. Sở cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí xây dựng một số lò mới, đảm bảo tiêu chuẩn đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho các lãnh đạo bệnh viện và nhân viên được giao nhiệm vụ phụ trách công tác quản lý chất thải y tế.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)/ Tin tức
 

 

Bình luận (0)