Phong trào xây dựng khu dân cư sạch – đẹp đã được triển khai trên địa bàn TP.HCM từ nhiều năm nay nhưng tình hình xả rác không đúng nơi, đúng chỗ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ô nhiễm môi trường, thậm chí hành vi xả rác bừa bãi còn là nguyên nhân gây bít tắc các cống thoát nước khiến đường ngập nặng mỗi khi mưa xuống…
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP giám sát việc thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường”
Công nghệ xử lý rác lạc hậu gây ô nhiễm
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn TP thải ra khoảng 9.700 tấn rác sinh hoạt. Khối lượng này dự kiến tăng 6-10% mỗi năm. Ngoài ra mỗi ngày còn có khoảng 4.000 tấn chất thải rắn khác như chất thải y tế, chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, xây dựng…
Ông Nguyễn Đinh Tuấn – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường – tỏ ra lo lắng, hiện nay công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp. Công nghệ này không chỉ tốn nhiều đất mà gây ô nhiễm môi trường như mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác. Các hoạt động tái chế khác (trừ sản xuất compost) còn phân tán, nhỏ lẻ.
Đồng tình, bà Vũ Thị Quyền – Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường ĐH Văn Lang – nhấn mạnh, nước rỉ từ rác sẽ ngấm vào lòng đất, chảy ra kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước này không chỉ là môi trường sống của các loài tôm, cá, mà còn được đưa vào hệ thống tưới tiêu khiến các chất độc hại trong nước ảnh hưởng đến cây trồng… Do đó, để đảm bảo một cuộc sống xanh phải nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức thu gom và xử lý rác thải hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, “tại TP.HCM, mặc dù việc phân loại rác tại nguồn được tiến hành thí điểm từ hơn 20 năm trước và có mặt trong hầu hết các chương trình, kế hoạch hành động bảo vệ môi trường. Chỉ riêng những năm gần đây đã có rất nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này. Dù vậy, tính đến cuối năm 2022 chỉ có khoảng 20-25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là đầu tư và hoạt động không đồng bộ trong các khâu thu gom, vận chuyển; người đi thu gom đổ chung rác đã phân loại và chưa phân loại vào cùng một xe. Phân xưởng tái chế của Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước xây dựng xong đã hàng chục năm nay nhưng vẫn không thể hoạt động vì không có rác đã phân loại”, ông Tuấn tâm tư.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức – cho rằng, xả rác bừa bãi ở TP.HCM đã trở thành vấn đề nan giải. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp còn kém. Bên cạnh đó là sự bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải và phát hiện đối tượng vi phạm; pháp luật xử lý các hành vi vi phạm về môi trường còn hạn chế; thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát và xử phạt cũng như chưa có cơ chế chính sách khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phát giác, tố giác hành vi gây ô nhiễm môi trường.
2 năm giải tỏa 505/568 bãi rác “lụi”
Để khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi, Thành ủy TP.HCM đã có Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”; cùng với đó là phong trào chống rác thải nhựa và xây dựng khu dân cư sạch – đẹp. Thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định.
Từ năm 2021 đến tháng 5-2023, TP.HCM đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, giải tỏa 505 điểm, đạt tỷ lệ 98,12%, trong đó chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao. Và từ khi triển khai cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” đến nay, tổng số phương tiện thu gom rác thải của TP là 7.534 phương tiện, trong đó có 4.191 phương tiện đạt chuẩn, tỷ lệ 55,63%. Tính đến ngày 31-5-2023, Quỹ bảo vệ môi trường TP (có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động và nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu – PV) duyệt vay 107 dự án với số tiền hơn 118 tỷ đồng, giải ngân 93/107 dự án số tiền hơn 105 tỷ đồng.
Rác thải sinh hoạt vẫn chưa được phân loại gây khó khăn cho việc xử lý rác
Bên cạnh những kết quả nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức và hành vi về xả rác, phân loại rác của một bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị vẫn chưa cao.
Đơn cử tại TP.Thủ Đức, tháng 8-2022, UBND TP ký cam kết “giải quyết dứt điểm các điểm phát sinh về rác thải trên địa bàn” với UBND 34 phường và các công ty công ích trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị phải đảm bảo 100% điểm ô nhiễm do rác thải được giải quyết triệt để, không còn tình trạng tái phát sinh và không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới về rác. Sau 1 năm ký cam kết, đến nay có 140/201 điểm đã được UBND các phường, đoàn thể và đơn vị ra quân xử lý sạch; 61/201 điểm mặc dù thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh, dọn dẹp nhưng vẫn còn tình trạng tái phát sinh.
Ông Phùng cho biết, sau khi ký cam kết, không ít chủ tịch phường vẫn để biên bản cam kết… trên bàn, không triển khai thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, UBND TP.Thủ Đức phải kêu gọi Đoàn Thanh niên, sinh viên đến các điểm rác phát sinh chụp hình gửi về cho chủ tịch phường. Kết quả, phải mất khoảng 3 tháng thì công việc mới chuyển biến…
Góp ý cho các giải pháp xây dựng TP xanh, sạch, đẹp, ông Đào Vũ Hoàng Nam – Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển rác tư nhân nên hướng đến cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp. TP cũng cần áp dụng công nghệ thông tin để thí điểm triển khai phạt nguội các hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng.
Còn theo ông Phùng thì, ngay bây giờ, mỗi người dân phải tiên phong trong việc thay đổi tư duy, thái độ với các hành vi làm tổn hại đến môi trường. Đã đến lúc tất cả mọi người dù là học sinh, sinh viên hay cán bộ, công nhân, người lao động… cần hành động mạnh dạn hơn vì một môi trường sống bền vững.
Bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP – nhấn mạnh, Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” sẽ không thể thành công nếu chỉ có các cơ quan, đơn vị tham gia mà quan trọng nhất là huy động và phát huy được sức mạnh của toàn dân. Mỗi người dân từ trẻ em đến người lớn; các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cùng tham gia bởi hưởng lợi từ kết quả cuộc vận động chính là người dân.
Phú Cát
Bình luận (0)