Ðậu đen là loại thực phẩm được ưa dùng trong nhân dân vì giá trị dinh dưỡng và công dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó. Bộ phận dùng làm thuốc là hạt có vỏ đen, nhân trắng hoặc xanh (đậu đen xanh lòng).
Theo Y học cổ truyền, đậu đen có vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng bổ huyết, bổ can thận; giải phong nhiệt, giải độc, hạ khí, lợi tiểu. Ðậu đen có công năng chữa bệnh nhiệt đối với người ở xứ nhiệt đới, nhất là khi trời nắng nóng. Vào mùa hè, chè đậu đen là đồ giải khát được ưa thích, khi nấu chè cho thêm vài hạt muối sẽ giúp cơ thể cân bằng điện giải do ra mồ hôi nhiều mất nước…
Một số bài thuốc thanh nhiệt, giải độc từ đậu đen:
Chữa đái dắt: Đậu đen 15g, hạt sen 15g, rau má, hạt mã đề vừa đủ, tất cả đem sắc đặc uống thay nước chè. Hoặc đậu đen 20g, bông sứ 15g. Hai thứ sao qua, đổ ngập nước, sắc cạn còn một nửa thì uống. Uống 5-7 ngày.
Chữa đau nhức ở các khớp xương hoặc ngộ độc rượu lâu ngày:
Lấy một quả dừa xiêm loại bánh tẻ vạt đầu, rồi bỏ 20g đậu đen đã rửa sạch vào quả dừa, đậy nắp dừa lại sau đó đem chưng cách thủy khoảng 3 – 4 giờ cho đậu nhừ rồi đem ra uống nước, ăn cái, mỗi tháng chỉ cần ăn 1 – 2 lần là đủ.
Cháo thanh nhiệt giải độc dùng trong mùa nóng: Đậu đen 50g, lá sen 1 lá, gạo tẻ 50g. Cách chế biến: Lá sen lấy loại lá bánh tẻ, loại bỏ tạp chất thái nhỏ đem sắc 15 – 20 phút, lọc lấy nước bỏ bã. Gạo tẻ và đậu đen loại tỏ tạp chất, vo qua, cho vào nồi rồi cho nước sắc lá sen vào thêm nước cho đủ, đem ninh nhừ thành cháo. Nêm gia vị vừa đủ bắc ra ăn nguội trong ngày. Có thể ăn thường xuyên trong mùa hè. Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, trừ thử (giải nắng nóng) an thần, hạ áp, bổ ngũ tạng, bù tân dịch (điện giải). Thích hợp cho tất cả mọi lứa tuổi, nhất là với người phải làm việc trong môi trường nắng nóng, người háo khát, người can thận âm hư gồm: Tăng huyết áp, phụ nữ tiền mãn kinh, rôm sảy, ban ngứa, suy nhược cơ thể…
Bác sĩ Thu Vân
Theo SK&ĐS
Bình luận (0)