Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Đấu giá” cổ thụ

Tạp Chí Giáo Dục

Một cây mai hoàng hậu được chuyển về TP.HCM có giá ngoài 20 triệu đồng

Vào vai một người mua cổ thụ, tôi được một gã bụng bự đón và đưa về gần con suối của huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Một giờ sau, những cây cổ thụ được chuyển tới. Cuộc “đấu giá” giữa các thương lái cổ thụ thứ thiệt ở Sài Gòn đã diễn ra…
Tôi đi “đấu giá” cổ thụ
Phải mất nhiều ngày tôi mới được Hảo – một tay chuyên mua bán cổ thụ có tiếng ở Sài Gòn cho tháp tùng chuyến mua cổ thụ ở Tây Ninh. Theo dự tính, Hảo sẽ đón tôi tại ngã tư An Sương nhưng vì Hảo phải đợi đón chuyến hàng từ Ninh Thuận vào nên tôi đi trước. Qua điện thoại, Hảo nghi vấn tôi đi cùng đại gia Tuấn, một bậc cao niên với nghề săn cổ thụ ở miền Trung nên Hảo gạt phăng, ý là không muốn sự có mặt của anh Tuấn. Tôi phải ra lời giải thích, Hảo mới tin. Qua anh Tuấn, tôi được biết Hảo rất khó mua được hàng chỉ vì đại gia Tuấn sẵn sàng bỏ hầu bao gấp đôi để được sở hữu những loại cổ thụ mình thích.
Để đánh lạc hướng Hảo, Tuấn bảo tôi đi trước và đưa tôi số điện thoại cầm tay của thương lái ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh kèm theo lời dặn dò: “Đến thị trấn Tân Châu, nói là người của tôi thì sẽ có xe đến đón. Tuyệt đối không được quay phim, chụp ảnh, tôi lãnh không nổi đâu”. Tôi làm theo lời chỉ dẫn của anh Tuấn. 9 giờ sáng tôi đã có mặt tại thị trấn Tân Châu. Đón tôi là một gã bụng bự, thân hình vạm vỡ chắc nịch bước xuống từ chiếc Toyota Innova màu đen bóng loáng. Gã bụng bự ấy là người làm công, cũng là tài xế cho Chiến, một thương lái cây cổ thụ mới vào nghề ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi đi về trung tâm của xã Suối Dây, rồi băng qua cánh rừng cao su xanh bạt ngàn. Xe dừng lại bên một con suối nhỏ cũng là lúc nhóm của Hảo vừa đến. Gã bụng bự và Hảo dường như thân quen từ lâu lắm. Một giờ sau, Chiến cùng anh Tuấn cũng có mặt. Tôi với anh Tuấn làm như chưa hề quen biết nhau. Chúng tôi phải đợi xe chở hàng từ hướng Kà Tum sang (cách khoảng 20 km). Cổ thụ hôm ấy là cây lộc vừng và mai hoàng hậu. Anh Tuấn bỏ nhỏ vào tai tôi: “Lộc vừng có “rớt” cũng được chứ mai hoàng hậu bằng mọi giá phải có mang về”. Tôi vào vai một người mua cây cổ thụ dưới sự chỉ dẫn trước đó của anh Tuấn.
Sao không mua bán ngoài đường mà phải vào tận đây? Tôi hỏi. “Ông không muốn bị bắt vì tội phá rừng chứ?” – Chiến gằn giọng. Chiếc xe tải loại 1,5 tấn chở “hàng” đến. Chiến nói: “Hàng này mọc hoang trên núi khoảng 20 năm tuổi, mất ba ngày đào và vận chuyển nó mới về tới đây. Tôi bán 30 chai (30 triệu đồng-PV)”. Anh Tuấn ra vẻ không ưng ý vì thân cây nhỏ, không có thế. Anh Tuấn nói: “Tưởng ngon lành chứ kiểu này ở thành phố thiếu gì”. Thật ra, anh Tuấn nói vậy nhưng trong bụng khoái lắm, đúng như anh Tuấn nói lúc đầu, cây mai hoàng hậu này có “tướng”, trồng ở sân vườn tốt lắm, gia chủ sẽ phát tài, không đau bệnh… Anh Tuấn giả vờ bỏ cuộc.
Sở dĩ anh Tuấn phải làm vậy là vì cố tình hạ “cơn sốt” giá, như sáng hôm đó anh đã bật mí với tôi: “Càng ít người mua thì ai mua được cũng chỉ với giá thấp”. Hảo ra vẻ hảo hán, nói với tôi: “Anh cho giá trước đi”. Tôi đưa ra giá 32 triệu đồng, Hảo nói: “Tôi 35 chai”. Mặc dù anh Tuấn lúc đó đã là người ngoài cuộc nhưng sợ không mua được hàng nên gợi ý với tôi: “Nếu anh thích cây này thì thêm chút đỉnh nữa, cây coi vậy chứ không tệ đâu”. Màn diễn kịch của tôi và anh Tuấn đã đến hồi gay cấn. Tôi cố bình tĩnh đưa ra giá 37 triệu đồng (trong đầu tôi nghĩ chắc chắn sẽ thua cuộc). Hảo dõng dạc: “40 chai”. Tôi rụt rè đưa mắt về phía anh Tuấn, như có sự chuẩn bị từ trước, anh Tuấn lầm bầm trong miệng và tôi kịp “đọc được” liền tiếp: “43 chai”. Nhóm của Hảo đang “hội ý”, tôi càng thêm lo. Ngay lúc đó, Chiến lại liên tục “phát pháo” ca ngợi cây mai hoàng hậu này. Cũng may, Hảo đã chịu thua cuộc và mua hai cây lộc vừng về để không uổng phí chuyến đi.
Theo anh Tuấn: “Mai hoàng hậu có nhan nhản nhưng cây đào từ núi là cực kỳ hiếm, mấy tay sành chơi cảnh nhìn lớp vỏ và phần gốc là biết ngay cây trồng hay mọc hoang trên núi liền. Cây này đem về Sài Gòn, bán trăm triệu như chơi”.
Mang “rừng” về phố
“Săn cổ thụ là một kiểu phá rừng vì thế các tay săn ngày nay rất tinh vi, có nhiều biện pháp đối phó mà kiểm lâm rất khó phát hiện. Một gốc cổ thụ bán vài chục triệu đồng chứ người săn nó cũng đổ bao mồ hôi nước mắt. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt mà”, Trung bộc bạch.
Việc thỏa thuận mua bán đã xong. Anh Tuấn đặt tiền cọc trước 5 triệu đồng và hẹn khi nào cây chuyển về Sài Gòn sẽ giao đủ. Để ăn mừng chiến thắng, anh Tuấn đưa tôi vào một quán thịt rừng cách xã Suối Dây khoảng 2 km. Anh Tuấn cho biết, chuyến đi săn hàng nào anh cũng ghé vào quán này để dò la tin tức hàng mới vì ông chủ quán cũng là một tay săn cổ thụ có tiếng, chuyên thu gom hàng từ Campuchia.
Không nói cũng biết, nhìn từ trong ra ngoài, từ trước ra sau đâu đâu cũng bài trí cây cảnh, từ những gốc cây khô đến cây tươi đủ mọi hình hài. Anh Tuấn chỉ tay vào ba ụ cây đặt ở gian nhà trong mà theo anh Tuấn ba ụ cây đó tượng trưng cho ba ông Phúc-Lộc-Thọ, nói: “Tôi ngỏ ý mua “ba ông này” với giá trăm triệu nhưng thằng chả (tức chủ quán-PV) không bán”. Giật mình trước cái giá mà anh Tuấn vừa nói, tôi buột miệng: “Nó giống ba khúc củi chứ có đẹp đẽ gì”. Nghe vậy, anh Tuấn gay gắt: “Ông đúng là chẳng biết gì về nghệ thuật cây cảnh. Với tôi thì không sao chứ ổng mà nghe được là không hay đâu đấy”.
Vừa đặt ly bia xuống bàn, chuông điện thoại anh Tuấn reo. Cầm điện thoại lên xem, anh Tuấn nói nhỏ: “Thằng Hảo”. Tôi nghĩ có chuyện chẳng lành vì màn diễn kịch của chúng tôi lúc nãy có đoạn quá thô thiển. Nhưng không, Hảo gọi cho anh Tuấn thông báo sắp có “hàng” từ miền Trung vào. Anh Tuấn tự hào, nói: “Thằng Hảo chưa có kinh nghiệm xem hàng, nhất là hàng miền Trung rất kén người chơi phải cầu viện tôi nhờ tư vấn”.
Nói đoạn, anh Tuấn gọi điện cho ai đó báo về cây mai hoàng hậu vừa mua được. Hẹn 3 giờ chiều ngày mai xem hàng tại vườn kiểng nhà mình. Cuộc mua bán chưa thành nhưng anh Tuấn tự tin: “Bèo lắm cũng kiếm hơn ba chục chai, hàng nào chứ mai hoàng hậu là thằng này khoái lắm, hét bao nhiêu nó cũng ok”.
Anh Tuấn cho biết, giá các gốc cổ thụ như lộc vừng, mai hoàng hậu, cóc da đá… vào dịp lễ tết cao hơn bình thường gấp 3, 4 lần, nhiều gốc có giá lên đến 600 triệu đồng. Không ít người muốn lấy lòng sếp cũng bỏ ra từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để mua một gốc tặng sếp.
Tuần sau, tôi cùng anh Tuấn, Hảo đi xem “hàng” từ miền Trung chuyển vào. Với chút kinh nghiệm anh Tuấn truyền đạt, tôi biết được các loại cây cổ thụ hôm đó là bồ đề, bằng lăng và cóc da đá lâu năm được đào cả gốc lẫn rễ. Trong đó có nhiều loại cây khi đào về, không thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đồng bằng nên đã chết. Loại này được bán gỗ dành cho người mê tạc tượng với giá rất bèo, khoảng từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/ gốc. Khi tôi hỏi về nguồn gốc của các loại cổ thụ này, Trung (một đầu nậu cổ thụ có tiếng ở Khánh Hòa) có vẻ dè chừng ậm ờ không trả lời. Thấy vậy, Tuấn bồi thêm vào: “Yên tâm đi, thằng em mới vào nghề, dắt nó theo để học hỏi”. Anh Tuấn vừa dứt lời, Trung mở một mạch như quảng cáo: “Tôi còn hơn chục gốc lộc vừng ở thế phụ tử và thế tam cương ngũ thường, gốc dương cổ thụ, sung toàn những thế độc. Nếu thích, đợt sau tôi mang vào bán cho anh với giá thấp nhất để gọi là làm quen”. Cái giá thấp nhất mà Trung nói cũng đã lên đến 30 triệu đồng/cây. Tôi chỉ biết nói câu: “Để về suy nghĩ lại”.
Trần Tuy An

Bình luận (0)