Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dấu hiệu “lạ” ở ngực: Chuyện không đâu, chớ nặng lòng!

Tạp Chí Giáo Dục

Biết các xáo trộn thông thường của tuyến vú, chị em sẽ không quá lo. Chớ ỷ y, cũng đừng nặng lòng chuyện không đâu.
Sao thấy cục gì trong ngực?
Thiếu nữ ở tuổi đôi mươi rờ thấy trong ngực có một vài cục tròn, láng, cỡ hột đậu phộng, hột nhãn. Đó là loại bướu thường gặp nhất ở các thiếu nữ, rất lành gọi là bướu sợi tuyến. Chẳng có gì đáng lo ngại. Không ít thiếu nữ thấy có đôi ba cục lớn nhỏ khác nhau ở một vú, cũng có khi ở cả hai vú có gần mươi cục. Bác sĩ chỉ cần chích thuốc tê, mổ lấy trọn một hoặc vài bướu, sẹo mổ nhỏ. Nếu vài tháng hoặc vài năm sau có một cục khác mọc ở chỗ khác trong vú hoặc vú kia thì đừng tưởng là “ung thư tái phát”. Bướu sợi tuyến mọc thêm, vẫn lành tính.
Bé có ngực sớm quá: Cháu gái khoảng 10 – 12 tuổi, một bên ngực hơi u lên, ở vùng giữa vú, đau chút chút. Mẹ cháu rất lo: “Nếu dậy thì sớm thì phải lớn cả hai bên ngực chứ”! Nên để bác sĩ theo dõi, thường mọi việc đâu sẽ vào đấy, chỉ cần ít thuốc chống đau để làm… mẹ cháu an tâm. Đừng để bác sĩ mổ lấy đi “cục u” nhỏ ở núm vú. Lớn lên một bên ngực sẽ xẹp lép, vì ngắt nụ thì hoa sẽ không nở.
Trong vú có nước. Một thiếu phụ trung niên khoảng tuổi 40 – 50 đến cho bác sĩ biết có một cục ở vú, lớn bằng đầu ngón tay cái, nét mặt đăm chiêu. “Rờ hạch này nó “chạy” tới chạy lui, đau ê ê, mới thấy gần đây thôi”. Người bệnh yên lặng, theo dõi nét mặt thầy thuốc, trở nên căng thẳng hơn nữa khi bác sĩ cho biết có một nang vú rồi lấy kim chọc nhẹ vào đó. Ống chích có vài cc nước đục, bướu xẹp hoàn toàn.
Người bệnh mắt sáng rỡ: “Mấy hôm nay không ăn không ngủ, người ta nói tuổi này mà có cục hạch như vậy thì chắc là dữ rồi”. Số lượng nang này nhiều ít tuỳ người và tuỳ lúc, kích thước lớn nhỏ không đều. Có nang rất to, cỡ trái quýt. Nang thường gặp ở phụ nữ khoảng tuổi 40 trở đi. Siêu âm chẩn đoán nang vú khá chính xác. Nang không thành ung thư.
Bà mẹ trẻ cho con bú. Các bà mẹ trẻ, sau khi sinh con đầu lòng và cho con bú vài tuần dễ xảy ra tình trạng nhiễm trùng. Bé “gặm vú mẹ” làm trầy nhẹ da dẫn đến viêm tuyến sữa. Sau đó sẽ xuất hiện những triệu chứng “rầm rộ”, “bầu sữa” căng hơn, đau nhức và da đỏ lên, sốt toàn thân. Chỉ cần ngưng cho con bú ở bên viêm, nặn bớt sữa và cho con bú bên còn lại thì sẽ khỏi sau vài ngày. Nếu chỗ viêm đã thành áp-xe, thầy thuốc phải rạch ổ áp-xe đủ rộng để lấy hết mủ ra và cho thuốc.
Không cho con bú cũng bị áp-xe, thường ở vị trí quanh quầng vú. Đó là do vùng quầng vú có những tuyến mồ hôi dễ bị nhiễm trùng, có khi do vết tích “âu yếm”.
Nhũ hoa bị lao. Bệnh lao vú tuy hiếm nhưng định bệnh chính xác thì điều trị rất hiệu quả. Viêm lao rất dễ nhầm lẫn với ung thư hay áp-xe vú. Sự nhầm lẫn không chỉ ở người bệnh mà ngay cả bác sĩ, dẫn đến chữa trị không đúng, làm bệnh nặng hơn.
Lao vú do vi trùng lao gây ra, thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 – 40 tuổi, một bên ngực bị viêm, da ửng đỏ. Đau nhè nhẹ ở vú, sau đó đau như kim châm, khiến nhiều người không dám mặc áo ngực. Có thể sờ thấy một cục u ở vú. Có khi kèm theo triệu chứng của bệnh lao như sốt, ớn lạnh về chiều. Chỗ viêm lao nếu không điều trị sẽ xì ra một chất lợn cợn giống mủ, sau đó chỗ viêm xẹp và lành để lại vết sẹo xấu. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần và để lại nhiều vết tích làm nhũ hoa thay đổi hình dạng, có khi xẹp hẳn gò bồng đảo!
Bọc sữa. Cho con bú, nhiều bà mẹ rất băn khoăn khi rờ ngực thấy một khối tròn, mềm như trái nho, bóp nhão nhão. Đó là một bọc sữa: sữa ứ lại do một ống sữa bị tắt. Nghe kể bệnh và khám kỹ bác sĩ có thể đoán bệnh dễ dàng, các bà mẹ cũng đoán được. Cẩn thận hơn thì bác sĩ nhờ đến siêu âm hoặc dùng một cây kim chọc rút ra được chất sữa sệt như kem.
Không nên để cho y tá hoặc bác sĩ mổ rạch bọc sữa như mổ áp-xe, sữa trong vú sẽ chảy ào ạt khó lành. Nên dứt sữa nếu cháu đã bú trên 12 tháng, bọc sữa sẽ nhỏ từ từ. Nếu bọc teo lại không lặn mất thì bác sĩ có thể mổ lấy bọc. Nếu cháu bú được vài tháng, vẫn tiếp tục cho bú, bọc sữa có thể to lên. Đôi khi đau nhức vì bội nhiễm. Đành phải dứt sữa.
Vú phụ. Có cô hoặc bà lại có thêm núm vú hoặc vú nhỏ, đó là vú phụ. Có người có cả đôi vú phụ. Thường thì các núm vú hoặc vú lạc chỗ này nằm gần nách. Khi có kinh hoặc đang có thai, vú có thể hơi căng đau, và đôi khi ứa sữa. Có người thấy khó chịu xin bác sĩ cắt bỏ. Đây chẳng phải là bệnh, chẳng qua là dấu vết còn sót lại của thời kỳ thai phôi trong bụng mẹ.
Bất thường của núm vú và quầng vú
Ứa dịch đầu vú. Dịch ứa ra là một thứ nước trong vắt hoặc hơi trắng đục hoặc như sữa, thường không đáng lo. Dịch ứa ra từ một hoặc nhiều lỗ ở đầu núm vú, ở cả hai đầu vú. Làm cho hết không phải dễ. Triệu chứng có đi, có lại trong vài tháng hoặc một hai năm.
Khi nào ứa dịch từ một lỗ núm vú, kéo dài khá lâu siêu âm cho biết là dãn ống sữa thì bác sĩ mới quyết định mổ lấy trọn một ống sữa. Có khi người bệnh có uống thuốc trị bao tử hoặc thần kinh, ngưng thuốc thì khỏi.
Nặn mà có chất dịch đỏ đậm như máu thì sao? Thấy có gì khả nghi thì mổ lấy ống sữa. Có ba tình huống: dãn ống sữa, bướu lành và ung thư. Nguy cơ ung thư hiếm hơn hai tình huống lành.
Lúm núm vú hay là vú đỉa. Chứng này có thể xuất hiện ở bất cứ tuổi nào, có khi đã thấy từ bắt đầu có “ngực”, gọi là bẩm sinh. Lúm núm vú còn gọi là vú đỉa vì giống miệng con đỉa. Vú đỉa bẩm sinh là bình thường. Đôi khi chứng này mới có báo hiệu một ung thư bên trong vú. Nên đi khám bác sĩ khi thấy núm vú bất thường so với trước đó.
Các hột lấm tấm ở quầng vú. Trên quầng vú rải rác có chừng mươi chấm nhỏ nhô lên gọi là các hột montgomery. Đó là các đầu ra của các ống dẫn sữa phụ. Một vài hột có thể nhô cao hơn và hơi đau, thêm một tí dịch ứa ra, nhất là vào lúc có thai hoặc cho con bú. Quầng vú có vài sợi lông tơ và bị coi là mất thẩm mỹ, dễ bị viêm hay tươm máu nhẹ khi nhổ bỏ.
Núm vú hoặc quầng vú bị ngứa lở và tươm nước. Thường do “không chịu” áo nịt ngực. Nên thay “xú chiêng”, ở nhà nên cởi bỏ áo lót.
Theo GS. BS Nguyễn Chấn Hùng
Sài Gòn tiếp thị

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)