Dịch COVID-19 đang tăng cao tại TPHCM. Ảnh: Vân Sơn |
Bệnh nặng khó chuyển tuyến
Quận 4 có số dân đông, trong khi điều kiện nhà ở chật hẹp nên nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm ở mức cao. Nhiều F0 không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà nên bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tập trung. Bệnh viện Quận 4 hiện có 50 giường điều trị COVID-19 nhưng đang quá tải nên phải xếp băng ca cho F0 nằm điều trị.
Ngày 8/12, bà Đỗ Thị Trúc Mai-Phó chủ tịch UBND Quận 4, TPHCM cho biết, số ca tử vong trong tuần đầu tiên của tháng 12 trên địa bàn đã tăng nhanh, gần bằng tổng số ca tử vong trong tháng 11. “Chúng tôi đã phân tích nguyên nhân tử vong và ghi nhận, đa số các trường hợp đang thở máy, bệnh nặng, tiên lượng tử vong xin chuyển lên tuyến trên nhưng không được. Đề nghị ngành y tế thành phố có giải pháp hỗ trợ tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng”,bà Mai nói.
Tình trạng quá tải cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác trong thành phố. Trong bối cảnh F0 gia tăng, Bệnh viện Quận 12 đã phải điều chỉnh tăng từ 60 giường điều trị lên 150 giường điều trị COVID-19. Trên địa bàn quận này chỉ có một bệnh viện vừa điều trị bệnh lý thông thường, vừa điều trị COVID-19 nên tình trạng quá tải cả 2 nhóm bệnh trên đang diễn ra.
Mặt khác, bệnh viện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện công tác chuyển viện cho những trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết, theo phân tuyến điều trị thì người bệnh có diễn tiến nặng trên địa bàn quận được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Dã chiến số 16. Tuy nhiên, bệnh viện tầng trên đang rơi vào quá tải mỗi ngày và chỉ tiếp nhận được 1 đến 2 ca nên nhiều ca vượt quá chuyên môn đã tử vong tại Bệnh viện Quận 12.
Bắt đầu quá tải
Sáng 8/12 tại cuộc họp trực tuyến với Trung tâm Y tế và UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức, BS Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau hơn 2 tháng nới lỏng giãn cách, số ca mắc mới liên tục tăng ở hầu hết các quận huyện; số ca nặng, tử vong cũng tăng. Giai đoạn thấp điểm, tử vong vì COVID-19 tại thành phố chỉ còn 26 ca nhưng đến nay có ngày hơn 90 ca tử vong.
Số F0 đang quản lý trên địa bàn thành phố tính đến ngày 8/12 là khoảng 90.000 trường hợp. Ngưỡng chịu đựng trong chăm sóc, điều trị F0 của ngành y tế trên địa bàn TPHCM là 120.000 F0. Trong khi dịch đang có xu hướng gia tăng, nếu quá mức trên sẽ gây áp lực, khó khăn cho điều trị. Ngành y tế đang tập trung triển khai các biện pháp khống chế F0 thấp dưới ngưỡng chịu đựng và ở mức càng thấp càng tốt để kiểm soát được dịch bệnh.
Một Phó giám đốc khác của Sở Y tế, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu xác nhận: “Hệ thống y tế điều trị COVID-19 của thành phố hiện nay bắt đầu bị quá tải. Sở Y tế đang khởi động lại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng 2 và 3 để có thể tiếp nhận kịp thời người bệnh. Sở Y tế đang triển khai các bước điều phối, hỗ trợ những bệnh viện có lượng bệnh nhân đông khi có bệnh nặng”.
Những trường hợp bệnh nặng theo phân tích hồ sơ tử vong hầu hết trên 65 tuổi, có nhiều bệnh lý nền, khi đã phải hỗ trợ hô hấp thì khả năng cứu sống cũng ở mức thấp. Sở Y tế, sẽ tăng cường các biện pháp điều trị sớm cho những trường hợp trong nhóm nguy cơ với thuốc kháng virus để ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng, giảm tối đa tình trạng tử vong. Vắc xin sẽ được chích bổ sung cho nhóm nguy cơ cao là giải pháp mang tính bền vững để bảo vệ cộng đồng đặc biệt là nhóm nguy cơ.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, huyện Hóc Môn đang có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất với 140 trường hợp trong tháng 11 và gần 60 trường hợp trong tuần đầu tháng 12. Tiếp đến là thành phố Thủ Đức với gần 130 ca tử vong trong tháng 11 và hơn 60 ca tử vong trong tuần đầu tháng 12. Nhiều địa phương khác ở TPHCM đang có số ca tử vong cao là quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Gò Vấp… |
Theo Vân Sơn/TPO
Bình luận (0)