Từ năm 2008, cuống họng tôi có hiện tượng ấn hai tay vào hai bên thấy đau, đưa tay ấn lên trên mang tai cũng có hiện tượng đau. Đôi khi tôi cảm thấy mình bị sốt nhẹ do bị đau ở cuống họng. Xin được hỏi tôi bị bệnh gì?
Luyen Nguyen
Trả lời:
Đau họng mãn tính (kéo dài trên ba tháng) có rất nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân thường gặp là viêm họng, amiđan mãn tính do vi trùng. Bệnh hay lặp đi lặp lại, triệu chứng thường gặp là đau họng nuốt vướng, nóng sốt, uể oải, ăn uống kém. Cách điều trị tốt nhất là thường xuyên súc miệng bằng nước muối, sử dụng kháng sinh hợp lý trong những đợt viêm cấp, nên cắt amiđan để làm giảm số lần mắc bệnh.
Nguyên nhân thường gặp thứ hai là trào ngược dịch vị. Bệnh lý này thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý dạ dày điều trị chưa dứt điểm, sau ăn thường ợ hơi, ợ chua, nóng rát sau xương ức. Điều trị bệnh bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống dễ tiêu, không ăn quá no, có thể chia thành bữa ăn để giảm áp lực trong dạ dày, nằm đầu cao, đi nằm hoặc ngủ phải cách bữa ăn 2-3 giờ, sử dụng thuốc giảm tiết axít dạ dày.
Nguyên nhân thứ ba là viêm họng do những kích thích mãn tính như viêm mũi xoang gây chảy mũi sau, hút thuốc lá, nói nhiều, thường ăn uống thức ăn nóng, nhiều chất kích thích. Cách diều trị tốt nhất là chấm dứt các yếu tố nguyên nhân như điều trị tốt bệnh viêm mũi xoang, tập thói quen uống nhiều nước để giữ cho niêm mạc họng không bị khô khi nói nhiều, súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Nguyên nhân thứ tư là đau họng do đau dây thần kinh, bệnh thường đau một bên cổ, lan lên tai, đầu, đau từng cơn, kiểu đau nhói, thường tăng lên hay xuất hiện khi ngáy, nhai, nuốt hoặc ho. Bệnh nhân cần khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có cách điều trị phù hợp.
Nhóm nguyên nhân sau cùng ít gặp hơn là các bệnh lý ung thư ở vùng họng, hạ họng thanh quản hay tuyến giáp, bệnh thường có xu hướng càng lúc càng trầm trọng, nuốt vướng nhiều, bệnh nhân ăn uống kém, sụt cân rõ rệt, có hạch cổ bất thường.
Trường hợp của bạn rất có thể đau họng do viêm họng, amiđan mãn tính, bạn nên đi khám lại bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có cách điều trị thích hợp.
ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG
(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)
TTO
Bình luận (0)