Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đâu là điểm tựa của niềm tin?

Tạp Chí Giáo Dục

Các tiết học GDCD trong nhà trường chỉ phát huy tác dụng khi người lớn làm gương cho trẻ trong cuộc sống đời thường. Ảnh: TR.Tri

Trong một lần về quê, vợ chồng tôi tranh thủ ghé thăm anh em, họ hàng và bè bạn lối xóm. Sau những câu thăm hỏi về sức khỏe thì công việc, kinh tế của vợ chồng tôi là vấn đề mà mọi người rất quan tâm bởi trong mắt họ, chúng tôi là những người “thành đạt”.
Biết tôi hiện đang giảng dạy tại một trường đại học ở khu vực phía Nam, còn vợ tôi là nhân viên y tế tại một bệnh viện ở TP.HCM thì ai cũng bảo “vậy thì tiền để đâu cho hết”. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi bỗng dưng mình được “gán nhãn” giàu có.
Tôi cố gắng lý giải cho mọi người biết chúng tôi chỉ là những công chức, viên chức bình thường, lương “ba cọc, ba đồng”, làm sao “giàu có” được thì họ nói ngay: “Tiền do sinh viên “đút””, hoặc “đánh rớt đi mấy đứa sinh viên là có tiền tiêu”! Với vợ tôi, họ cho rằng: “Nhân viên y tế thì cần gì lương, chỉ cần nhận… phong bì của người bệnh là tha hồ mà sống”!
Tôi cố gắng giãi bày với mọi người rằng, trong 10 năm làm công tác giảng dạy, tôi chưa bao giờ nhận một món quà vật chất nào của sinh viên, dù đó là một món quà rất nhỏ, có chăng chỉ là những bó hoa do sinh viên tặng nhân ngày lễ nào đó. Còn vợ tôi, 15 năm công tác trong ngành y tế, cô ấy cũng từng được bệnh nhân và người nhà của họ “bồi dưỡng” để được chăm sóc tốt hơn nhưng vợ tôi luôn cho rằng, đã là bệnh nhân thì dù họ giàu hay nghèo cũng là một nỗi khổ. Hơn nữa, những đồng tiền bồi dưỡng đó không phải là thành quả của lao động bản thân nên vợ tôi nhất quyết không nhận. Khi nghe vợ chồng tôi nói vậy, ai cũng tròn xoe mắt, xem chúng tôi như những… “động vật quý hiếm”. Họ cho rằng chúng tôi “lập dị”, họ không tin rằng trong bối cảnh xã hội ngày nay mà có người lại “chê” tiền, không tìm cách để “kiếm” tiền.
Tuy “đôi mắt” của người dân quê tôi nhìn đời, nhìn người chưa được toàn diện nhưng ở một phương diện nào đó thì có thể cảm thông với họ bởi trong xã hội ngày nay, có một số cán bộ công chức, viên chức sống rất vương giả trong khi đồng lương của họ còn hạn chế. Liệu người ta có thể tin rằng, chỉ với đồng lương không thôi thì có thể đem đến cuộc sống sung túc cho gia đình họ không? Do vậy, chỉ cần một số ít giáo viên, giảng viên cố tình vòi vĩnh, làm khó học trò, sinh viên để trục lợi hay một số nhân viên y tế “sẵn sàng” nhận tiền bồi dưỡng của người bệnh thì sự trong sáng của những ngành nghề đó sẽ bị sụt giảm trong mắt mọi người.
Bên cạnh đó, những hiện tượng dối trá đang tồn tại một cách phổ biến trong cộng đồng chính là nguyên nhân làm cho con người sụt giảm niềm tin, không còn tin tưởng, chí ít là cũng hoài nghi trước những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống. Từ chuyện chăn dắt người già, trẻ em ăn xin đến những ông chủ doanh nghiệp dỏm hay những kẻ giả danh cán bộ cơ quan này, cơ quan nọ… để lừa đảo người dân. Liệu những người đi ăn xin trong bộ dạng tật nguyền, bệnh tật, một đứa trẻ nheo nhóc bế thêm đứa em còn nhỏ… có phải là những người có hoàn cảnh bi đát hay chỉ là vấn đề lợi dụng lòng tốt của mọi người? Có nhiều trường hợp đã thu được số tiền rất lớn từ việc “đóng” giả đó, chẳng hạn như trường hợp người ăn xin đã bị cơ quan chức năng ở TP.HCM “gom” về trung tâm hỗ trợ có trong “bị” hơn 100 triệu đồng…
Trong khi cuộc sống đã và đang tồn tại nhiều hiện tượng mang tính “trắng đen lẫn lộn”, “thực thực, ảo ảo” thì việc ai đó hoài nghi về tính trung thực trước một số vấn đề cũng là điều hết sức bình thường. Và khi niềm tin không còn chỗ dựa, nhiều người đã thờ ơ, lắc đầu trước kẻ ăn xin, thu mình “phòng thủ” khi bỗng nhiên gặp “người tốt”, sẵn sàng giúp đỡ mình…
ThS. Nguyễn Quế Diệu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)