Hàng tiêu dùng nội địa và một số mặt hàng nông sản đang có nguy cơ bị lấn lướt bởi hàng nhập khẩu có thuế suất bằng 0% từ các nước ASEAN, đặc biệt là làn sóng hàng hóa đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, việc đưa hàng vào siêu thị vẫn đang là vấn đề nóng bỏng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Triệt đường bằng cách nâng chiết khấu!
Theo số liệu thống kê không chính thức, doanh thu bán lẻ qua các kênh phân phối hiện đại chiếm hơn 30% tổng doanh thu của TPHCM. Con số này vẫn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo vì nhiều nguyên nhân, trong đó có định hướng phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa tại TPHCM và các TP lớn khác trong cả nước đến năm 2020, sẽ ưu tiên phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển tất yếu của nền kinh tế. Có lẽ, đây chính là lý do nhiều DN buộc phải đa dạng hóa mạng lưới phân phối, trong đó chú trọng đặc biệt đến các siêu thị.
Mua sắm tại một siêu thị của doanh nghiệp bán lẻ trong nước Ảnh: CAO THĂNG
Vậy nhưng, việc đưa hàng Việt vào siêu thị vốn đã khó, nay còn khó khăn hơn bởi đang có sự nhường ngôi, đổi chủ tại nhiều hệ thống siêu thị. Theo đó, thị trường càng phát triển thì quyền lực của các nhà phân phối càng gia tăng, tùy theo uy tín và lượng khách hàng của từng siêu thị. Thực tế cũng chỉ ra rằng, càng ở siêu thị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì hàng Việt càng khó vào! Tổng giám đốc một công ty giấy tiêu dùng cho biết, ngay sau khi một tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tư siêu thị tại TPHCM, công ty đã cho người đến liên hệ để đưa hàng vào bán. Tuy nhiên, sau 5 lần 7 lượt đàm phán, công ty chấp nhận phải bỏ qua hệ thống này vì bán cho họ cũng đồng nghĩa là đi làm không công. Họ ép giá rất dữ. Theo tính toán của một DN sản xuất mì ăn liền tại TPHCM, doanh thu bán hàng vào các hệ thống siêu thị hiện chỉ chiếm khoảng 5% – 7% trong tổng doanh thu của công ty. Thế nhưng, việc chi trả chiết khấu, cộng với chi phí quầy kệ, chiếm một nửa số doanh thu này.
Nhìn nhận thực trạng việc đưa hàng vào siêu thị, tổng giám đốc một công ty thực phẩm chua chát nói, các siêu thị đang nắm một quyền lực rất lớn. Ở đó, DN yếu thì buộc phải chia sẻ bằng hàng nhãn riêng, phải sản xuất gần như không có lãi, còn những DN cỡ trung và vừa phải chấp nhận sự định đoạt về giá bán cũng như tuân thủ theo các quy định về chiết khấu và chi phí cho siêu thị. Tính chung, tổng các loại chiết khấu và chi phí cho một mã sản phẩm (là cặp, ba lô học sinh chẳng hạn) dao động 32% – 40%, tùy hệ thống siêu thị.
Đó là chưa kể thời gian thanh toán quá chậm, từ 30 – 60 ngày, có siêu thị lên đến 90 ngày! Điều đáng lưu ý, tổng các chi phí và chiết khấu là rất cao, nhưng khi thể hiện trên giấy tờ sổ sách cho DN, thì một số siêu thị chỉ ghi một con số tượng trưng vào khoảng 24%, số còn lại DN phải tự lo. Điều này cũng đồng nghĩa, DN thiệt đơn, thiệt kép, còn nhà bán lẻ đang tìm cách lách thuế. Đây chính là lý do trong 4 năm liên tiếp, một số DN phải rút hàng khỏi quầy kệ, nhường chỗ cho hàng ngoại hoặc hàng cấp thấp.
Cần rà soát, siết chặt cấp phép đầu tư
Hàng ngoại đang tràn vào Việt Nam như “cơn lốc” từ việc thực thi các cam kết song phương và đa phương. Trong khi đó, lâu nay các chính sách của nhà nước thường hướng vào khuyến công, khuyến nông mà quên đi vai trò to lớn của khuyến thương. Nói như chuyên gia Lê Đăng Doanh: “Các nước khác ta ở chỗ, họ tập trung vào phân phối, tiêu thụ còn ta lại tập trung vào sản xuất. Thị trường bán lẻ vốn là kênh kết nối sản xuất với người tiêu dùng, nhưng lại do nhiều DN nước ngoài kiểm soát sẽ khiến sản xuất trong nước thất bại, bởi vì ai làm tốt về phân phối thì người đó sẽ thắng”.
Phó giám đốc của một sở chuyên ngành lo lắng, khi mới vào WTO, chúng ta an tâm vì thị trường bán lẻ vẫn được canh giữ rất tốt từ các điều khoản bảo lưu trong quá trình đàm phán. Nhưng thực tế, ngành bán lẻ đã bị xuyên thủng từ rất lâu, bởi DN FDI vào Việt Nam đầu tư dưới nhiều hình thức để mở mạng lưới mà không bị bất cứ rào cản nào từ phía cơ quan quản lý. Quy định ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) được xem là “cây đũa thần” với ngành bán lẻ trong nước cũng bị vô hiệu hóa từ nhiều năm qua. Một số nhà bán lẻ nước ngoài đã tự do mở điểm bán hàng ngay bên cạnh và cạnh tranh quyết liệt với các nhà bán lẻ trong nước. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần siết chặt việc cấp phép đầu tư, siết chặt quy định về quy mô dân số khu vực, khoảng cách giữa các điểm bán lẻ (liên quan quy định ENT), đồng thời rà soát toàn bộ công tác cấp phép mở điểm bán mới đối với các DN bán lẻ FDI.
Ở góc độ DN, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng trong bối cảnh hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ kênh phân phối hiện đại thì may mắn vẫn còn đến 70% dân số từ khu vực nông thôn. Theo đó, doanh thu từ các kênh truyền thống vẫn còn chỗ đứng cho hàng Việt. Tuy vậy, thời gian cho DN không còn nhiều, vì đại bộ phận các dòng thuế trong khu vực ASEAN đang tiến về mức 0%. Ông Văn Đức Mười đánh giá: “Nếu mỗi DN không nhanh chóng định vị rõ khách hàng của mình thì nguy cơ mất thị phần là tất yếu. Mặt khác, nếu các DN vẫn mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, chắc chắn DN Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. Tôi tin, nếu chúng ta liên kết và có sự tin tưởng mạnh mẽ và có giải pháp tốt thì hàng Việt vẫn có thể đối mặt với hàng ASEAN và các nước khác. Nhưng để làm được việc này, chắc chắn phải có sự kiểm tra “sức khỏe” của từng nhóm sản phẩm Việt, của DN Việt cũng như Chính phủ cần có chính sách cụ thể để tạo “thế trận” cho hàng Việt phát triển, hơn là dùng lý trí để ngăn cản hàng ngoại, vì đây là điều không thể trong bối cảnh hội nhập”.
THÚY HẢI/ SGGP
Bình luận (0)