Tình hình chiến sự căng thẳng tại Yemen và những dự báo về xu hướng gia tăng nguồn dầu trong kho dự trữ chiến lược của Mỹ là hai nguyên nhân chính chi phối giá dầu trong suốt tuần, khiến mặt hàng này liên tục tăng giảm trái chiều.
Tuy nhiên, cả dầu ngọt nhẹ và dầu Brent đều ghi nhận một tuần lên giá, đánh dấu đợt tăng dài nhất của hai loại dầu chủ chốt này trong nhiều tuần qua.
Giá dầu đồng loạt đi lên phiên đầu tuần (20/4), do tình hình bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông, nhất là tại Yemen, cũng như thông tin từ công ty Genscape cho biết từ ngày 14 đến 17/4, kho dầu của Mỹ tại Cushing ở Oklahoma đã giảm hơn 900.000 thùng.
Yemen không phải quốc gia sản xuất lớn về dầu mỏ, nhưng nằm ở eo biển Bab el-Mandeb, một cửa ngõ trọng yếu để vào Biển Đỏ, nơi trung chuyển khoảng 4,7 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Bộ Năng lượng Mỹ cảnh báo bất ổn gia tăng ở các khu vực xung quanh eo biển Bab el-Mandeb có thể khiến dầu từ vịnh Pesian không được vận chuyển tới kênh đào Suez hay tuyến đường ống Sumed mà phải chuyển sang hướng khác, làm tăng thời gian trung chuyển và chi phí, qua đó đẩy giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, “vàng đen” đã đảo chiều đi xuống ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, khi liên quân các nước Arập do Saudi Arabia đứng đầu tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng phiến quân ở Yemen.
Sau khi ngược dòng đi lên trong phiên giao dịch 23/4, giữa bối cảnh chiến sự tại Yemen leo thang trở lại, giá dầu thế giới lại có sự phân hóa rõ rệt trong phiên giao dịch cuối tuần này.
Trong khi dầu Brent có thời điểm “vọt” lên mức cao nhất bốn tháng qua (65,80 USD/thùng) và duy trì được xu hướng tăng đến hết phiên, thì dầu ngọt nhẹ lại chịu sức ép giảm giá bởi giới đầu tư lo lắng về khả năng nguồn dầu dự trữ của Mỹ trong tuần tới có thể lại chạm mức cao kỷ lục, bất chấp nhu cầu dầu thô và các chế phẩm từ dầu, nhất là xăng, đang có chiều hướng tăng trước mùa cao điểm du lịch Hè.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, tại sàn giao dịch hàng hóa NewYork, giá dầu giao tháng 6/2015 giảm 59 xu, xuống còn 57,15 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London của nước Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 43 xu, lên 65,28 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng tình hình chiến sự bùng phát căng thẳng hơn giữa các phe phái ở miền Nam và miền Trung Yemen cộng với việc liên minh Arập, do Saudi Arabia đứng đầu, nối lại chiến dịch không kích vào các mục tiêu của nhóm vũ trang Houthi đã làm cho các nhà đầu tư lo lắng về nguồn cung từ khu vực dầu lửa Trung Đông, khiến giá dầu Brent tăng lên.
Tính chung cả tuần qua, mặc dù đã rời khỏi mức cao nhất tuần 58,41 USD/thùng được ghi nhận vào ngày 23/4, dầu ngọt nhẹ vẫn tăng 2,5%, đánh dấu tuần đi lên thứ sáu liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp sau khi đi lên 3%.
Đối với nhiều nhà phân tích, giá dầu tăng thời gian gần đây chủ yếu là do các nhà đầu cơ mua vào khi đặt cược rằng nền tảng cung-cầu sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại Commerzbank cho rằng thị trường vẫn dư cung đáng kể, do sản lượng dầu tăng tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Hiện sản lượng dầu của OPEC đã vượt nhu cầu tiêu thụ gần 2 triệu thùng/ngày. Giới đầu tư giờ chỉ còn trông chờ vào khả năng sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ giảm xuống, giúp làm nhẹ bớt gánh nặng dư cung đối với thị trường năng lượng toàn cầu./.
MINH TRANG
(TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)