Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đau mắt đỏ lăm le tấn công trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy lành tính nhưng rất dễ lây lan và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, bệnh đau mắt đỏ đang là mối lo ngại của nhiều gia đình, trường học, địa phương. Đặc biệt, bệnh có thể gây ra nhiều hệ lụy khi thường bùng phát vào đúng mùa tựu trường.


Bệnh đau mắt đỏ đang là mối lo ngại của nhiều gia đình và trường học vì thường bùng phát vào đúng mùa tựu trường
Đau mắt đỏ: dễ lây lan
Thời tiết ẩm ướt, vệ sinh kém là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và lây lan. Bệnh phổ biến ở trẻ em, ở các khu vực nông thôn, thậm chí có gia đình cả nhà cùng đau mắt đỏ. Đa số bệnh nhân không biết mình bị đau mắt đỏ, chỉ nghi ngờ bụi bay vào mắt hay do dụi mắt nhiều. Đến khi bệnh trở nặng kèm theo sốt, đau họng, sưng hạch ở trước tai, mắt ngả màu đỏ, rỉ nước và ngứa ngáy khó chịu thì người dân mới đến bệnh viện.
Ở các tỉnh phía Nam, lượng bệnh nhi nhập viện vì đau mắt đỏ cũng không ngừng gia tăng. “Năm nào cũng vậy, mỗi khi con đến mùa tựu trường, tôi lại nơm nớp lo sợ. Hễ nghe con bảo trong lớp có bạn bị đau mắt là thể nào, vài hôm sau lại có thêm đứa khác bị. Hình như bệnh này nhìn nhau cũng lây!”, chị P.Thanh (Q.3, TP.HCM) lo lắng.
Theo các chuyên gia về bệnh nhiễm khuẩn, thời điểm tháng 8, tháng 9 cũng là đợt “vào mùa” của bệnh đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm khuẩn, rất dễ lây lan. Tuy là bệnh lành tính và thường gặp nhưng đặc biệt, nếu không điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến biến chứng về giác mạc, giảm thị lực.
Cảnh giác phòng ngừa cho trẻ
Các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa cho trẻ bởi đây là bệnh lây lan hàng đầu trong mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình và việc học của trẻ nhỏ.
Theo đó, đau mắt đỏ thường lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mà không vệ sinh kỹ sau đó, đặc biệt tại nơi đông người như trường học. Do đó, để phòng tránh, quan trọng nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh ở từng gia đình. Phụ huynh cần khuyên trẻ không nên dụi mắt vì đây là con đường để vi khuẩn từ tay xâm nhập vào mắt nhanh nhất. Để an toàn, cần tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch bằng sản phẩm vệ sinh diệt khuẩn trước mỗi bữa ăn, sau khi đi vệ sinh và sau mỗi lần vui chơi bên ngoài. Bản thân phụ huynh và các thành viên khác trong gia đình cũng cần ghi nhớ điều này để tránh trở thành nguồn lây bệnh.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên giặt tẩy ga giường, vỏ gối, khăn tắm, mỗi người cần có vật dụng vệ sinh cá nhân riêng, không dùng chung. Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ thì nên đến bệnh viện khám và điều trị, tránh tự mua thuốc về nhỏ, tránh ánh nắng mặt trời, gió và bụi bẩn.
Lưu ý trong phòng ngừa và điều trị đau mắt đỏ:

+ Tuyệt đối không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt.
+ Không dùng chung nước nhỏ mắt với người bệnh.
+ Sau khi nhỏ mắt, lau mắt bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm và vứt ngay.
+ Ngoài việc thường xuyên rửa tay, cần tắm rửa sạch sẽ bằng sản phẩm vệ sinh diệt khuẩn, nhất là sau khi tiếp xúc với người bệnh.
+ Trẻ đến trường, phụ huynh phải luôn nhắc nhở trẻ vấn đề vệ sinh, đừng “khoán” mọi thứ cho thầy cô tại trường.
Minh Thư (TNO)

Bình luận (0)