Sự kiện giáo dụcTin tức

Đầu năm 2012, cần nhiều lao động phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM thì dự kiến nhu cầu nhân lực của TP năm 2012, có 265 ngàn đầu việc, trong đó sẽ có trên 120 ngàn đầu việc làm mới. Vẫn theo quy luật của những năm trước, trong quý I/2012, nhu cầu tuyển dụng lao động (LĐ) của các doanh nghiệp (DN) vẫn là LĐ phổ thông nhiều nhất.
Cung – cầu nghịch lý
Theo ông Tuấn, thị trường LĐ TP năm 2011 phát triển cùng với sự tương tác của tình hình lạm phát và biến động đi lên của chỉ số giá tiêu dùng, dẫn đến diễn biến có nhiều nghịch lý. Tình trạng biến động LĐ do nhảy việc của người LĐ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là LĐ phổ thông trong các ngành nghề như: dệt – may, cơ khí, điện tử, xây dựng, bán hàng, dịch vụ – phục vụ… Trong khi đó, nguồn cung nhân lực vẫn thể hiện sự nghịch lý “lệch pha”: nguồn LĐ phổ thông  biến động và thiếu thường xuyên thì nguồn nhân lực có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề lại chênh lệch về số lượng và chưa đáp ứng chất lượng so với nguồn cầu. Ngay cả những ngành được coi là “hot” như: ngành tài chính – ngân hàng, kho bãi – vật tư – xuất nhập khẩu… có những thời điểm sinh viên ra trường vẫn khó tìm được việc làm ngay. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP từ các DN cho thấy, thị trường LĐ trong năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, biến động và phức tạp. Được biết, theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM năm 2012, dự kiến thu nhập bình quân đầu người (GDP) tăng 10%, trong đó phát triển giáo dục – đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực được ưu tiên đẩy mạnh.
Trên 120 ngàn việc làm mới
Ông Tuấn cho biết, dự kiến nhu cầu nhân lực của TP năm 2012, có 265 ngàn chỗ làm việc, trong đó sẽ có trên 120 ngàn chỗ làm việc mới, nhu cầu LĐ nữ chiếm 57,7% trong tổng cầu. Trong tổng số nhu cầu nhân lực năm 2012, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn TP là 30 ngàn chỗ làm việc với các nhóm ngành nghề như: điện – điện tử (18%), dệt may (18%), dịch vụ, cơ khí, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, mộc, bao bì, hóa dược…
Theo ông Tuấn, tình trạng thiếu hụt LĐ là do công nhân về quê ăn tết chưa kịp vào làm việc và một số khác chuyển dịch về các tỉnh làm việc. Những ngành nghề thường thiếu hụt LĐ trong thời gian này là nhóm: dệt – may – giày da, chế biến thực phẩm, nhựa –  bao bì; xây dựng, cơ khí; điện tử… Quý II/2012, quý III/2012 thị trường LĐ sẽ tiếp tục có sự biến động về cung – cầu, nhưng đã có sự ổn định hơn so với quý I. Trong quý III và IV của năm 2012 nhu cầu tuyển dụng của các DN sẽ tập trung vào nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao trong một số nhóm ngành nghề như: cơ khí, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa – hóa chất, marketing, kinh doanh, bán hàng, dịch vụ – phục vụ, y tế, chăm sóc sức khỏe, xây dựng – kiến trúc. 
“Thực trạng thị trường LĐ những năm gần đây tại TP luôn diễn biến phức tạp trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu; LĐPT thì luôn thiếu nhưng có khá nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm lại phải đi xin làm công nhân. Vì vậy, vấn đề quản lý và phát triển nguồn nhân lực đạt hiệu quả luôn cần có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội”, ông Tuấn chia sẻ.
Việc dự báo xác định nhu cầu nhân lực về ngành nghề, số lượng DN đang và sẽ cần trong tương lai cần được đẩy mạnh và chính xác. Có được con số dự báo về nhu cầu LĐ chính xác mới cân đối được chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào tạo của từng trường, cấp trình độ đào tạo sao cho phù hợp thực tế. Ngoài ra, TP còn cần xây dựng định hướng và có chính sách ưu đãi để thu hút đào tạo nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của TP.
Q.Huy

Bình luận (0)