Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đầu năm bệnh thủy đậu, quai bị… bùng phát!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phụ huynh chờ đợi khám bệnh cho trẻ tại phòng khám BV Nhi đồng II

Sau Tết Nguyên đán đến nay số bệnh nhi mắc các bệnh thủy đậu, quai bị tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày các phòng ngoại chuẩn của Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II khám cả ngàn ca, trong đó có không ít trường hợp bị biến chứng phải nhập viện…
Cả con và mẹ cùng nhập viện
Đó là trường hợp hai mẹ con chị Lê Thị Thu Th. (Q.5). Chị Thu Th. cho biết: “Ngày 31-1, tôi phát hiện trên người bé xuất hiện một số nốt đỏ, lúc đó mọi người trong nhà nghi là do kiến cắn. Sang ngày hôm sau sốt nốt đỏ trên người bé mọc nhiều hơn, gia đình cũng thấy lo lo vì bé mới sinh được 9 ngày. Ngày 2-2, gia đình đưa bé tới Bệnh viện (BV) Nhi đồng I khám, bé được chẩn đoán là mắc bệnh thủy đậu. Ngay sau đó các bác sĩ cho bé nhập viện. Ngày 3-2 trên người tôi bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ giống bé. Đến hôm nay (ngày 5-2) thì nốt đỏ mọc khắp người cả hai mẹ con. Từ mặt cho tới tay, chân, lưng, bụng chỗ nào cũng có nốt”. Chị Thu Th. cũng cho biết thêm là trước khi mang thai chị đã không tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.

Chị Lê Thị Thu Th. và con cùng mắc bệnh thủy đậu tại phòng cách ly khoa Nhiễm BV Nhi đồng I

Về trường hợp của bệnh nhi “nhí” này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng I cho biết: “Vì bé còn quá nhỏ nên da rất non, theo đó mức độ nguy hiểm cũng khá cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố hết sức để không xảy ra những biến chứng nguy hiểm cho bé”.
Ngoài những bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu, ngày 5-2 khoa Nhiễm – BV Nhi đồng I còn có thêm 2 bệnh nhi mắc bệnh quai bị. Bệnh nhi Nguyễn Bá Ph. (7 tuổi) nhập viện chiều 2-2. Trước đó, sáng 2-2, gia đình phát hiện hai bên mang tai của bé Ph. sưng tấy, người hâm hấp nóng. Do vậy thay vì tới Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Q.Gò Vấp để đi học trở lại sau hai tuần nghỉ tết thì Ph. phải tới BV. Chị Hồng – mẹ bệnh nhi Ph. cho biết: “Hôm nhập viện, hai mang tai của bé sưng to, người sốt tới 38,5 độ. Đến ngày hôm qua (4-2) mặc dù hai bên mang tai đã bớt sưng nhưng người vẫn còn sốt, các bác sĩ nói phải ở lại 2 hoặc 3 ngày nữa mới được xuất viện. Thật là xui xẻo, mới đầu năm mới mà đã phải nghỉ học”…
Trước đó, ngày 30 – 1 bệnh nhi Phúc Kh. (4 tuổi) cũng được gia đình chị Minh (huyện Bình Chánh) đưa tới BV Nhi đồng I với các biểu hiện tương tự bệnh nhi Bá Ph. Sau đó bệnh nhi Phúc Kh. đã phải nhập viện. Theo chị Minh, hiện tại sức khỏe của bé Phúc Kh. đã ổn định, nếu không có gì thay đổi thì ngày 6-2 sẽ được xuất viện. Được biết, bệnh nhi Phúc Kh. đang học lớp mầm tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Những sai lầm… chết người
Bác sĩ Thanh Hùng – Phó giám đốc BV Nhi đồng I cho biết: “Từ 10 năm trở lại đây, các bệnh thủy đậu, quai bị thường xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên, mùa của bệnh rơi vào tháng 1, 2 và cao điểm là tháng 3, 4, 5. Vì đây là những bệnh xuất hiện theo mùa và lành tính nên người dân cũng không nên quá lo lắng. Để phòng bệnh cách tốt nhất là tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ chuẩn bị mang thai…”.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan trong khu vực trường học, bác sĩ Khanh khuyến cáo khi trẻ bị bệnh, phụ huynh phải để ở nhà. Về phía nhà trường cần phải giữ gìn vệ sinh phòng lớp, đồ chơi sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh thân thể của trẻ…
Theo số liệu thống kê của BV Nhi đồng I, riêng tháng 1 – 2009 khoa Nhiễm tiếp nhận 21 ca quai bị, 10 ca thủy đậu. Từ ngày 1 đến hết ngày 4 – 2 tiếp nhận 4 ca quai bị và thủy đậu 2 ca. Bác sĩ Trần Thị Thúy – Phó khoa Nhiễm BV Nhi đồng II cũng cho biết: “Bệnh nhi nhập viện do mắc thủy đậu tăng từ 2 tuần nay, trung bình mỗi ngày khoa điều trị cho 6 -7 trường hợp”. “Mặc dù số ca nhập viện không nhiều nhưng có tăng so với các tháng 12, tháng 11. Và điều đáng nói là những bệnh nhi nhập viện đều là những trường hợp nặng, bị biến chứng. Đối với các bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu, nếu gia đình không biết cách chăm sóc rất dễ dẫn đến nhiễm trùng da. Nhiễm trùng da lan rộng dẫn tới nhiễm trùng huyết, từ đó có thể gây ra tử vong. Bệnh quai bị thì ít biến chứng hơn so với bệnh thủy đậu nhưng nếu có biến chứng thì nguy cơ tử vong không phải là ít… Biến chứng thường xảy ra do những quan niệm sai lầm của người lớn. Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con nổi nốt đỏ (bệnh thủy đậu) đã nhốt con vào phòng kín, thậm chí còn ủ kín chăn để tránh gió với mục đích hạn chế nốt đỏ. Tuy nhiên việc nốt đỏ ít hay nhiều không phải do gió mà là do sức đề kháng của đứa trẻ, trẻ yếu thì nốt nổi nhiều. Việc ủ kín trẻ dễ dẫn đến sốt cao, nhiễm trùng da. Thậm chí có phụ huynh còn tắm bằng nước gốc rạ cho trẻ, đốt gốc rạ lấy tro hòa nước cho trẻ uống. Những cách chữa bệnh dân gian này rất nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ. Hay với bệnh thủy đậu, khi thấy trẻ bị sưng tấy ở mang tai, người nhà thường bôi vôi hoặc dán cao để hạn chế việc sưng. Việc làm này sẽ làm nóng và đỏ vùng da từ đó gây ra nhiễm trùng. Trên thực tế chỉ sau 5 ngày, hai bên mang tai sẽ hết sưng tấy nên phụ huynh không cần phải bôi, dán bất kỳ thứ gì…”, bác sĩ Khanh cho biết.
Cũng theo bác sĩ Khanh, những trẻ bắt đầu đi học mầm non có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu và quai bị nhiều hơn những trẻ chưa đi học. Nguyên nhân là do môi trường sinh hoạt thay đổi, trẻ phải tiếp xúc với nhiều người…
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)